Cần bảo vệ, quản lý tư liệu Hán Nôm trong cộng đồng
Giữa tháng 4, dư luận trong nước xôn xao khi biết tin Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn (Thượng Hải, Trung Quốc) tổ chức phiên đấu giá với tên gọi Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm (ký hiệu phiên đấu giá S23041) với 672 hiện vật bằng giấy được đấu giá; trong đó, có 12 đạo sắc phong là hiện vật gốc có từ thời Lê Trung hưng, thời Tây Sơn và thời Nguyễn của Việt Nam bị mất trộm.
Ngay sau đó, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi thông tin, làm việc với các cơ quan chức năng liên quan phía Thượng Hải đề nghị dừng cuộc đấu giá. Đến ngày 19.4, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải thông báo đã yêu cầu tạm dừng việc đấu giá và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin.
Câu chuyện kể trên một lần nữa gióng lên hồi chuồng cảnh báo cho ngành chức năng, cũng như các địa phương phải chú trọng hơn nữa việc bảo vệ di sản Hán Nôm đang được lưu giữ trong cộng đồng.
Tại Bình Định, di sản Hán Nôm hiện còn khá phong phú, đa dạng, rất nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá được cộng đồng lưu giữ tại nhà thờ họ, đình, miếu, lăng… Người viết đã tận mắt chứng kiến và không khỏi tiếc nuối khi nhiều tư liệu Hán Nôm được cộng đồng lưu giữ bị mục nát đến mức gần như không thể phục chế, như 6 sắc phong thần của các vua triều Nguyễn lưu giữ tại di tích Lăng vạn Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn)…
Là chuyên gia nghiên cứu di sản Hán Nôm, TS Võ Minh Hải, Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn) chia sẻ, nhiều di sản Hán Nôm ở Bình Định còn được lưu giữ trong cộng đồng, tại các nơi thờ tự, các di tích… vẫn chưa được nghiên cứu, sưu tầm; nhiều tư liệu Hán Nôm tuy đã được sưu tầm, biên dịch nhưng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn... Do vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán Nôm cần phải được quan tâm hơn nữa. Mà muốn có để nghiên cứu thì phải giữ gìn, bảo vệ.
ĐOAN NGỌC