HTXNN Thượng Giang: “Ðiểm sáng” chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng
Với mục đích tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập, tạo sự phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, HTXNN Thượng Giang, ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi mùa vụ và cây trồng.
Cán bộ HTXNN Thượng Giang trao đổi trực tiếp với xã viên ngay tại chân ruộng đậu phụng về cách thức canh tác mới. Ảnh: T.T
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, cho hay: Trước kia hầu hết diện tích đất nông nghiệp ở Tây Giang chủ yếu là đất gò đồi, soi bãi, chủ yếu trồng mía, mì và một số phải bỏ hoang do thiếu nước tưới. Năm 2020 nhờ kênh Thượng Sơn đảm bảo cấp đủ nước tưới, chúng tôi triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất nhiều loại cây trồng mới, đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn như: Đậu nành đen, bắp sinh khối, mè, bắp ngọt, đậu phụng, ớt… Nhờ đó, diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã năm sau cao hơn năm trước. Riêng vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023, toàn xã đã đưa vào sản xuất hơn 180 ha đậu phụng, 70 ha ớt, 30 ha bắp và hơn 128 ha rau củ quả các loại.
Ông Phạm Xuân Phương, ở thôn Thượng Giang 1, chia sẻ: Trước kia, gần 1 ha đất sản xuất của gia đình chỉ trồng được cây mì, một năm cho thu hoạch 1 lần, được khoảng 1,5 triệu/sào/12 tháng. Nay với sự hỗ trợ kỹ thuật từ HTXNN Thượng Giang, tôi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cây trồng, áp dụng cách thức canh tác tiên tiến, vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 trồng 1 ha đậu phụng, lãi khoảng 3,5 triệu đồng/sào/3 tháng; thu hoạch đậu phụng xong tôi trồng mè trong vụ hè này. Lợi nhuận từ 1 ha đất ấy giờ đây tăng gấp 3 lần so với trước.
Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa được HTXNN Thượng Giang đẩy mạnh. Theo đó, HTX tích cực giới thiệu, hỗ trợ áp dụng một số mô hình sản xuất phù hợp, triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho xã viên. Để đảm bảo bà con có thể bán nông sản dễ dàng, từ năm 2020, HTXNN Thượng Giang đầu tư hệ thống máy ép dầu công suất 1 tấn/ngày; đến năm 2021, tiếp tục đầu tư nâng công suất hệ thống lên 2,4 tấn/ngày, 2 máy lọc dầu và một số trang thiết bị, máy móc hiện đại khác. Nhờ đó, sản phẩm dầu phụng của HTX có chất lượng cao hơn hẳn so với trước, được nhiều khách hàng tin dùng. Đến nay, thương hiệu sản phẩm “Dầu đậu phụng Thượng Giang” và “Dầu mè Thượng Giang” đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
“Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục vận động xã viên chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang mô hình cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; tạo mối liên kết, tiêu thụ nông sản giúp các xã viên và nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với chế biến, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương”, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang cho hay.
TÍN TRỌNG