Quả ngọt từ sự bền bỉ, nỗ lực phấn đấu
Với sự năng động, tháo vát, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông công thương An Nhơn Lê Thị Nguyệt đã vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí cả định kiến để sống tích cực, tự tin theo đuổi mục tiêu, “chèo lái” đơn vị đạt thành công.
Trải nghiệm là “chìa khóa” Thành công
Với bà Lê Thị Nguyệt, thành công không chỉ đo đếm bằng thu nhập, mà còn là những bài học qua từng thử thách, vấp ngã. Nhờ những trải nghiệm đáng quý ấy, bà từng bước vượt qua khó khăn, giúp HTX phát triển như hiện tại.
● Phát triển nông nghiệp có phải lĩnh vực đầu tiên bà lựa chọn không?
- Trước đây, khi còn ở TP Hồ Chí Minh, tôi kinh doanh sắt thép và tạo dựng được sự nghiệp ổn định. Sau đó, muốn trở về quê hương, tôi quyết định gom hết vốn liếng, vay thêm để đầu tư kinh doanh sắt thép nhưng cuối cùng lại thua lỗ, thậm chí phải bán nhà để xoay xở.
Đến năm 2008, tôi bắt đầu chăn nuôi và tham gia vào HTX Nông công thương An Nhơn. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia thành lập công ty chuyên chăn nuôi gà giống với quy mô hơn 100 nghìn con/chuồng, sản xuất đất sạch thường dùng để trồng mai, trồng rau và các loại phân bón, như phân trùn quế, phân vi sinh…
● Để trở thành “đầu tàu” của HTX, bà đã trải qua những gì?
- Vì đã từng thất bại nên tôi hiểu rằng không có gì là dễ dàng, phải tính toán, sắp xếp kỹ lưỡng, chắc chắn. Tôi tự mình lo toan mọi việc bằng cách dậy từ 4 rưỡi sáng, làm sổ sách, kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu…
Để nâng cao thu nhập, xoay xở đồng vốn, tôi cho rằng việc thử nghiệm, đổi mới để kinh doanh sao cho phù hợp với hoạch định cá nhân lẫn nhu cầu của thị trường là điều cần thiết. Chẳng hạn, khi mới chăn nuôi, vì phân bón nhiều nên tôi nghĩ ngay đến việc làm phân vi sinh. Trong quá trình làm phân vi sinh, tôi phát hiện các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã của cây sả có khả năng tương tự nên tôi quyết định làm thêm mảng chưng cất tinh dầu sả, tận dụng phần bã để làm đất, tạo thành vòng sản xuất khép kín.
Hay mới đây, nhận thấy sâm bố chính là mặt hàng có tiềm năng phát triển với mức giá 300 nghìn/kg, có thể trồng trong chậu lẫn ngoài luống đất, nên tôi hoàn thiện đề án trồng sâm bố chính để khai thác hiệu quả trong thời gian tới.
Bà Lê Thị Nguyệt cùng sản phẩm tinh dầu sả do HTX Nông công thương An Nhơn sản xuất. Ảnh: DƯƠNG LINH
● Theo bà, giá trị lớn nhất của trải nghiệm là gì?
- Với tôi, được trải nghiệm, đi nhiều nơi, học nhiều thứ để sàng lọc, áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh tại cơ sở là “chìa khóa” của thành công. Nếu không có những trải nghiệm ấy, sẽ rất khó để tôi có những sáng kiến giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, hay tạo chuỗi liên kết sản xuất với việc triển khai 3 vùng trồng nguyên liệu ở TX An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Phù Cát, vừa đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của HTX, vừa góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Trải nghiệm giúp tôi hiểu rằng muốn kinh doanh thành công, không chỉ cần đảm bảo về chất lượng sản phẩm mà còn phải sẵn sàng, linh động cho nhiều tình huống bất ngờ. Tôi nhớ mãi, có lần, lô sản phẩm phân bón vi sinh vì gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi nên chất lượng bị ảnh hưởng, khách không nhận, buộc tôi phải tìm cách giữ chân khách, tránh mất đi khách hàng.
Sau cùng, đi qua nhiều thành công, thất bại, trải nghiệm dạy tôi bài học lớn nhất là không chủ quan, luôn tỉnh táo, chủ động xoay xở các nguồn tiền để tạo ra vốn, giúp mình tự tin với các kế hoạch, dự định tương lai. Cứ vậy thành thói quen, đêm nào tôi cũng suy nghĩ về những điều đó và biết ơn vì mình đã có cơ hội được học nhiều bài học quý giá.
Xem trọng yếu tố con người
● Theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh, sản xuất?
- Với tôi, con người là yếu tố quan trọng nhất, thể hiện ở cả người đứng đầu, người quản lý và người lao động. Con người luôn đóng vai trò quyết định, tác động trực tiếp đến chất lượng sản phẩm và kết quả kinh doanh.
Nói cách khác, nếu nhân lực trình độ cao, có tinh thần học hỏi, cởi mở, tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, việc kinh doanh sẽ thuận lợi, hoặc giả sử khi gặp khó khăn, cũng sẽ dễ vượt qua hơn.
Tôi đánh giá cao nhân lực hơn vật lực, bởi con người làm ra máy móc và có thể điều khiển chúng phục vụ cho quá trình sản xuất. Do đó, tôi luôn quan tâm, chú trọng yếu tố con người.
● Vậy bà đã làm gì để thể hiện sự quan tâm đến người lao động tại cơ sở?
- Hiện tại, HTX có gần 80 lao động, trong đó có 60 lao động nữ là người dân địa phương và con em CCB. Nam đảm nhiệm việc lái xe, kỹ thuật, máy móc. Nữ đóng gói sản phẩm, chịu trách nhiệm thu hoạch tại các chuồng chăn nuôi, vườn mai…
Khi người lao động mới nhận việc, tôi hướng dẫn cụ thể thao tác cho họ và nhờ những anh chị em có thâm niên trong xưởng để ý, hỗ trợ người mới. Đó là cách giúp họ hòa nhập tốt hơn, gắn kết tình cảm của người lao động, tạo thành tập thể đoàn kết, gần gũi.
Ngoài ra, tôi phải đảm bảo bữa cơm của họ được đầy đủ dinh dưỡng, cân nhắc mức lương sao cho thỏa đáng. Khi xảy ra bất đồng quan điểm, tôi chọn cách làm việc mềm mỏng, nhỏ nhẹ, tránh làm lớn chuyện.
Riêng với lao động nữ, hầu như ngày nào, chúng tôi cũng nói chuyện, lắng nghe nhiều điều riêng tư và sẵn sàng hỗ trợ khi cần.
● Được biết, bà còn thường xuyên tham gia công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương…
- Tôi quan niệm rằng, cho đi là hạnh phúc vì hiểu rằng tài sản không ở mãi với mình. Tôi từng không có gì trong tay và được người khác giúp đỡ. Vậy nên khi ổn định hơn về kinh tế, tôi không ngần ngại góp chút sức, chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh thiếu thốn, khó khổ.
Tôi quan tâm nhất đến học sinh vượt khó học giỏi, phần lớn sự hỗ trợ của tôi đều dành cho các em với những suất học bổng khuyến khích tinh thần học tốt, rèn luyện tốt. Theo tôi, đây là đối tượng giàu tiềm năng phát triển, cần được chăm sóc, tạo điều kiện tốt hơn để các em có cơ hội học tập, trưởng thành, xây dựng quê hương, đất nước về sau.
Bà Nguyệt kiểm tra chất lượng cây mai tại vườn của HTX Nông công thương An Nhơn. Ảnh: VÂN PHI
Hiểu mình, tự tin để hoàn thiện hơn
Từ góc nhìn của người phụ nữ hiện đại năng động, bà Nguyệt cho rằng, để nữ giới khẳng định vị thế, không gì quan trọng bằng việc hiểu mình, trau dồi để hoàn thiện bản thân, thay vì bị ảnh hưởng bởi những định kiến.
● Bà nhìn nhận thế nào về sự xoay chuyển của phái đẹp khi từ “làm hậu phương” đến trực tiếp đảm đương cùng lúc nhiều công việc quan trọng?
- Để phụ nữ có sự thay đổi, phải nói đến điều kiện khách quan. Khi nhận thức của xã hội dần cởi mở, phái đẹp được trao nhiều cơ hội hơn. Thay vì buộc mình trong căn bếp nhỏ, chị em có cơ hội thể hiện khả năng trên nhiều lĩnh vực.
Về phía phụ nữ, thay vì nội trợ để chồng làm kinh tế, chị em dần bước ra khỏi “hậu đài”, khám phá ra các lợi thế của mình như sự tỉ mỉ, nhẫn nại, chịu khó, biết tính toán kỹ lưỡng… Bằng sự nỗ lực hết sức mình, phái đẹp dần khẳng định giá trị bản thân bằng những thành công từ khiêm tốn đến lớn dần, được công nhận ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Thế nhưng, theo tôi, phụ nữ tài giỏi trong công việc đến đâu thì vẫn nên đảm bảo thiên chức làm vợ, làm mẹ. Bởi suy cho cùng, tổ ấm chính là nguyên nhân và động lực để chúng ta nỗ lực vươn lên.
● Bà có thể chia sẻ đôi chút với những chị em đã và đang nỗ lực phát triển sự nghiệp, nhất là những người gặp phải định kiến về giới?
- Xã hội cởi mở hơn nhưng định kiến về giới vẫn còn đó. Bản thân tôi cũng từng bị nghi ngờ năng lực nhưng thay vì buồn bã, tôi chọn cách dùng thực lực chứng minh. Dần dần, những đồng nghiệp nam của tôi cũng có cái nhìn tích cực hơn về tôi. Thậm chí, các anh còn đùa rằng, “chưa thấy ai lái ô tô chắc tay như bà”! (Cười)
Tôi nghĩ rằng, “chìa khóa” để người phụ nữ hiện đại tự tin, sống cống hiến, theo đuổi ước mơ trước hết là không để định kiến giới trói buộc bản thân. Quan trọng nhất là hiểu mình, không ngừng mài giũa, tiếp nhận bài học cuộc sống.
● Xin cảm ơn bà!
Bà Lê Thị Nguyệt (SN 1965, hiện ở xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương” 4 năm liên tiếp (2018 - 2021); đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” cấp Trung ương giai đoạn 2016 - 2021; nhận danh hiệu “Hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2020” do Hội CCB tỉnh tặng.
Một số sản phẩm của HTX Nông công thương An Nhơn được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, như: Phân hữu cơ vi sinh (năm 2016, 2018), tinh dầu sả (năm 2022). Sản phẩm tinh dầu sả nguyên chất (sả Java) được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2021.
DƯƠNG LINH (Thực hiện)