Di tích địa đạo Gò Quánh: Chứng tích lịch sử hào hùng
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh là chiến trường ác liệt ở khu vực Nam Trung bộ. Trong cuộc trường kỳ ấy, nhiều hệ thống địa đạo đã được quân và dân Bình Ðịnh bền bỉ đào sâu, mở rộng để phục vụ kháng chiến; địa đạo Gò Quánh là một trong số ấy.
Gò Quánh là tên một khu đồi gò thấp, trước đây thuộc thôn Mỹ An, nay thuộc địa phận hai khu vực: Mỹ An 1 và Mỹ An 2, phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Gò Quánh, Huyện ủy, Huyện đội Hoài Nhơn đã tổ chức xây dựng một hệ thống địa đạo đi sâu trong lòng đất, lan tỏa rộng khắp, kết hợp với các công sự, giao thông hào, ụ chiến đấu, hầm trú ẩn nên nhân dân thường gọi cho công trình quân sự này là Địa đạo Gò Quánh.
Gò Quánh được Huyện ủy, Huyện đội Hoài Nhơn và Đảng bộ xã Hoài Thanh thống nhất chọn để xây dựng địa đạo vì: Thứ nhất, đây là vùng đất gò đồi không bị ngập úng vào mùa mưa, với loại đất cốm pha sét, đảm bảo độ bền chống sập, nhưng không quá cứng so với đá ong nên dễ đào, khu vực Gò Quánh có nhiều giếng nước rất sâu, nhiều giếng được cán bộ và du kích địa phương lợi dụng các ngách lở tự nhiên trên mặt nước cải tạo lại để làm chỗ che dấu lực lượng trong lúc lực lượng địch đông, mạnh hơn ta. Hơn nữa, vùng này có những đồi, gò, bao, cây lâu năm và rừng cây tự nhiên rất thuận lợi cho công tác ngụy trang và tác chiến. Thứ hai, Hoài Thanh có bề dày về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, với tinh thần đoàn kết thống nhất một lòng theo cách mạng, độ tin cậy rất cao; hơn nữa các dòng họ ở đây đều tham gia cách mạng, nhân dân tuyệt đối giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho cách mạng. Thứ ba, yếu tố bất ngờ giữa các gò đồi như đồi Nghiêm, đồi Mỹ, đồi A, đồi Ấm, Gò Tùng, gò Hộ… khoảng cách giữa Gò Quánh với các điểm cao này khoảng từ 300 đến 500 m và gần các hố thuộc dãy núi Kho - Hoài Hương, vừa đảm bảo khả năng phòng thủ, lại rất thuận lợi cho việc chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng ở các xã.
Đoàn cán bộ Sở VH-TT và TX Hoài Nhơn khảo sát địa đạo Gò Quánh. Ảnh: Đ.V.Đ
Công tác chỉ đạo việc xây dựng địa đạo Gò Quánh khi đó do đồng chí Lâm Hỷ (Huyện ủy viên, Huyện đội trưởng huyện Hoài Nhơn) phụ trách; lực lượng đào chủ yếu là đảng viên, lực lượng du kích các xã, thôn trong huyện, được chia thành 7 tổ, với kế hoạch đào luân phiên, không tổ nào được biết đến sự tồn tại của tổ nào, mỗi tổ chỉ biết phần việc của mình.
Địa đạo Gò Quánh được đào và sử dụng nhiều nhất từ năm 1964 đến năm 1968. Đến năm 1969, khi địa đạo chưa hoàn thiện thì bị lộ, bị địch càn dùng máy ủi lấp một số miệng hầm. Địa đạo Gò Quánh hiện nay còn 12 miệng hầm, mỗi miệng hầm đường kính khoảng 1,6 m, chiều sâu từ 10 đến 13 m, khoảng cách giữa các hầm khoảng 100 m, tổng chiều dài của tuyến khoảng 7 km.
Địa đạo Gò Quánh trở thành một nơi trú ẩn an toàn, tạo sự an tâm cho cán bộ chiến sĩ, dân quân du kích tham gia giữ chốt. Dựa vào hệ thống địa đạo kết hợp với công sự mật, du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực Sư đoàn 3 (tức sư đoàn Sao Vàng), đã sử dụng địa đạo để cất dấu vũ khí như pháo 120, cối 82, DKZ và đạn dược để chuẩn bị chiến đấu. Gò Quánh làm nơi trú quân, tránh bom, pháo, là trạm cứu chữa thương binh dã chiến và tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, làm cho địch khiếp sợ.
Ông Nguyễn Duy Quý, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Ðịnh, kể: Huyện đội Hoài Nhơn có cơ quan đặt tại địa đạo này. Địa đạo có 2 tầng, có hệ thống thông hơi lên thẳng mặt đất. Ban ngày ở địa đạo, ban đêm “trồi” lên đánh địch. Nhờ địa đạo và hầm bí mật mà lực lượng ta ít tổn thất…
Địa đạo Gò Quánh từng đón nhiều cán bộ quan trọng bấy giờ, điển hình như các đồng chí: Trần Quang Khanh, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Liệu, Bí thư Huyện ủy, Nguyễn Duy Quý - Phó Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội… Cùng hệ thống địa đạo, sức chiến đấu của ta còn tăng lên đáng kể nhờ hệ thống giao thông hào chiến đấu, hầm bí mật bảo vệ dày đặc. Từ nơi đây, quân ta nhiều lần khiến kẻ địch thất điên bát đảo.
Địa đạo Gò Quánh đã góp phần cực kỳ quan trọng vào thắng lợi của LLVT và nhân dân huyện Hoài Nhơn nói riêng, của quân và dân Bình Định nói chung trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Di tích này là một minh chứng lịch sử sống động về sức sáng tạo, khả năng dựa vào dân để chiến đấu trong một thời kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh của quân và dân Hoài Nhơn nói riêng, Bình Định nói chung.
Ghi nhận đóng góp quan trọng của các công trình này trong lịch sử chiến đấu bảo vệ quê hương, Địa đạo Gò Quánh được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 7.3.2019.
Hiện nay tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai khảo sát, nghiên cứu, xây dựng các giải pháp để từng bước tôn tạo, khôi phục một phần hệ thống Địa đạo Gò Quánh, định hướng đưa di tích này trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Và với giá trị lịch sử vốn có của di tích, trong tương lai sẽ tính đến kế hoạch đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, phục dựng lại toàn bộ hệ thống địa đạo, hệ thống công sự kết hợp quy hoạch cảnh quan làm nơi vui chơi giải trí để du khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống.
ÐẶNG VĂN ÐỆ