Theo tiếng gọi nguồn cội
Như một ước hẹn, cứ định kỳ hai năm một lần, cả ngàn môn sinh võ cổ truyền Việt Nam (VCTVN) trên toàn thế giới lại tạm gác mọi công việc riêng tư và vượt muôn trùng cách trở địa lý để tìm về đất tổ Bình Định.
Phải chăng đã có một sợi dây vô hình gắn kết những người vốn xa lạ ở nhiều môn phái, võ phái khác nhau, ở nhiều tỉnh, thành, vùng miền, quốc gia, vùng lãnh thổ lại tề tựu bên nhau. Sợi dây ấy không gì khác hơn là bởi họ có chung tình yêu, đam mê và nỗi niềm trăn trở bảo tồn, phát huy VCTVN.
Lắng trong truyền thống võ học
Với những người yêu VCTVN, dù chỉ học chút ít võ để rèn luyện sức khỏe, phòng thân hay là nghiệp vương mang cả đời, thì Bình Định vẫn luôn là địa chỉ thiêng liêng để tìm về.
Liên hoan Quốc tế VCTVN lần này, ngoài 63 đoàn võ thuật đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, còn có 60 đoàn võ thuật của 26 võ phái đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cho thấy sức lan tỏa không biên giới của VCTVN.
Võ sĩ Hà Trọng Kha Vy, con trai võ sư nổi tiếng Hà Trọng Ngự (Đoàn võ sư Hà Trọng Ngự - TP Hồ Chí Minh) biểu diễn bài “Xà miêu lưỡng thủ quyền”
Và cũng bởi vậy, bất chấp việc vừa trải qua một đêm tham gia Lễ hội đường phố với tần suất biểu diễn dày đặc, sáng 3.8, các võ sư, võ sinh đã sớm lên đường đến với các điểm giao lưu ở Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn. Điều đó khiến phần khai mạc diễn ra sớm hơn dự kiến, thời gian biểu diễn của các đoàn cũng thoải mái hơn.
Với nhiều người, việc các đoàn Việt Nam thể hiện tốt những bài võ cổ truyền của dân tộc không đem lại nhiều bất ngờ. Ngược lại, những tiết mục biểu diễn gọn gàng, dứt khoát, có hồn của các đoàn khách “Tây” luôn mang đem đến sự thích thú và hào hứng.
Với những màn biểu diễn đẹp mắt, lại sở hữu những thành viên nữ có khuôn mặt xinh xắn, đoàn Tinh võ đạo Nga không chỉ nhận được sự quan tâm từ các phóng viên, mà nhiều võ sinh ở các đoàn khác cũng tranh thủ mời chụp chung những bức hình lưu niệm.
Võ sư Hồ Văn Giáo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Đà Nẵng, nhìn nhận: “Ở Liên hoan lần này, tôi thấy các đoàn đều có sự tiến bộ về chuyên môn, phong cách biểu diễn và tinh thần của các võ sư, võ sinh đều rất tốt.
"Tôi ấn tượng với những phần biểu diễn của đoàn Tinh võ đạo Nga, khi những thành viên của môn phái này thể hiện khá chuẩn các động tác; mạnh mẽ và dứt khoát trong từng bước di chuyển, những tiết mục được dàn dựng hợp lý cả về bố cục, kỹ thuật và thời gian".
Các đoàn võ thuật đã rất tự hào khi được đến biểu diễn tại vùng đất Tây Sơn - nơi được xem là một trong những cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam - đặc biệt là được biểu diễn ở khu vực tiền sảnh Bảo tàng Quang Trung.
Còn khi đặt chân đến võ đường Hồ Sừng - vốn vang danh về những đường roi tuyệt kỹ - các võ sư, võ sinh đã ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến vẻ đơn sơ, mộc mạc ở võ đường Hồ Sừng. Tuy nhiên, họ cũng sớm tìm được câu trả lời thỏa đáng, đó là người Bình Định mê võ, sống hết mình với võ, chứ không dùng võ để hướng đến đời sống khá giả hơn.
Cùng với việc thể hiện những tiết mục đã được chuẩn bị từ trước, xem các võ sinh khác biểu diễn, qua chuyến đi, các đoàn võ thuật cũng phần nào hiểu thêm về sức sống của võ cổ truyền ở khắp các địa phương tại Bình Định.
Tất thảy họ đều ấn tượng trước những bài quyền, đường roi… được biểu diễn bởi các võ sinh nhí - một minh chứng cho thấy võ cổ truyền Việt Nam luôn được kế thừa, tiếp nối và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất được định danh là miền đất Võ.
Võ sinh Nhật Lệ, võ đường Phi Long Vịnh biểu diễn bài roi Thái Sơn.
Võ sư Trương Quang Kim, chưởng môn Võ Kinh Vạn An Phái (Pháp), rất vui khi đặt chân đến đất Võ, ông rất tự hào khi nói về khởi nguồn của môn phái chính là Bình Định - nơi tụ nghĩa nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ.
Võ Kinh Vạn An Phái được truyền qua 5 đời. Còn võ sư Kim học võ từ năm 7 tuổi, tính đến nay đã hơn 50 năm gắn bó. Võ sư Kim cho biết thêm, hiện trong nước, phái võ này có 20 câu lạc bộ đang sinh hoạt; 13 nước trên thế giới cũng đã có sự hiện diện của Võ Vạn Kinh An Phái. Hàng năm, võ phái đều tổ chức tour du lịch về Huế thăm quan Võ Kinh Vạn An.
Cảm nhận trên "đất tổ"
Võ sư Crevecoeor Jean-Philippe võ đoàn Thủy Pháp Việt Nam - Bỉ hào hứng chia sẻ: Đây là lần thứ ba anh đến Bình Định để tham gia LHQTVCT, anh thấy rất thú vị khi giao lưu võ thuật và khám phá về các môn phái khác. Anh đặc biệt thích những hình ảnh truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng ở Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhạc nền cho các bài quyền pháp lấy ý tưởng từ các bài nhạc cung đình Huế mềm mại và uyển chuyển. Với niềm đam mê đặc biệt với võ cổ truyền, anh đã theo học tiếng Việt được 4 năm để hiểu rõ hơn về tinh hoa các thế võ.
Với võ sư Andy Trần, huấn luyện viên trưởng CLB Thiếu Lâm Long Phi (Mỹ), “Võ thuật chính là một phần trong cội nguồn văn hóa Việt Nam”. Học võ từ năm 12 tuổi, đến nay anh đã theo nghiệp võ được 34 năm. Tuy đây là lần đầu tiên Andy Trần tham gia LHQTVCT nhưng trước đó anh đã nhiều lần về Việt Nam tham gia các giải võ cổ truyền.
Với mong muốn phát triển phong trào võ cổ truyền Andy Trần đã mở lớp dạy võ Thiếu Lâm Long Phi tại Florida (Mỹ); đồng thời, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Võ sư Andy Trần đặc biệt yêu thích võ cổ truyền Bình Định mà theo anh, bản thân trong các bài võ đã chứa đựng lịch sử dân tộc.
Đồng cảm với nhận xét này, võ sư Đặng Phước Bảy, võ đường Sa Long Cương (Bến Lức, Long An), nhận xét, các bài võ trận Bình Định, đằng sau mỗi bài võ là một chiến tích lịch sử dân tộc. “Võ trận Bình Định rất đặc trưng, nội dung ẩn dụ qua động tác và khó nhất chính là thể hiện được cái thần của võ trận”, ông Bảy chia sẻ.
LÊ CƯỜNG - SAO LY - MỸ HẠ