Tổng Bí thư: Không để việc lấy phiếu tín nhiệm gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ
Liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư đề nghị bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 15.5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Kim Anh.
Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; để từ đó, đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.
Đề cập báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Dự thảo báo cáo đã được gửi xin ý kiến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư góp ý trực tiếp vào văn bản để hoàn thiện bước đầu. Ngày 8.5 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và cho nhiều ý kiến chỉ đạo xác đáng để hoàn thiện Báo cáo trình Trung ương hôm nay.
Theo Tổng Bí thư, nội dung của Báo cáo đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường và có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước; chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ðối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng, hoàn thiện pháp luật và nhà nýớc pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; và đặc biệt là việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc.
Đồng thời, Báo cáo cũng đưa ra phân tích, dự báo tình hình thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ, và đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Kính đề nghị Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, thẳng thắn, khách quan thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung, vấn đề nêu trong Báo cáo; thể hiện rõ chính kiến của mình, đồng tình hay chưa đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và có những đề xuất, kiến nghị cụ thể gì đối với những nội dung, vấn đề cần phải bổ sung, làm rõ hoặc điều chỉnh, sửa đổi (nếu có). Chú ý gắn việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn. Tập trung phân tích, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về những ưu điểm, kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; phân tích những nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm từ Đại hội XIII đến nay. Phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh, tình hình mới, những xu hướng, vấn đề lớn có thể xảy ra trên thế giới và ở trong nước; từ đó đề xuất những chủ trương, quyết sách lớn và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần phải tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".
Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mục đích là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Kim Anh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết, thực hiện các Quy định 96, Kế hoạch 16 của Bộ Chính trị và trên cơ sở tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và gửi trình Trung ương Báo cáo kiểm điểm cá nhân của mình, trong đó tự nhận xét, đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; chỉ ra những hạn chế và giải pháp khắc phục; báo cáo giải trình các vấn đề mà cấp có thẩm quyền hoặc người ghi phiếu yêu cầu.
"Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất của vấn đề, đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ các Báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từ thực tế quan hệ công tác, thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW và Kế hoạch số 16-KH/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt là bảo đảm sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình; nêu cao trách nhiệm, tinh thần xây dựng của các Ủy viên Trung ương Đảng trong việc xem xét, thể hiện sự tín nhiệm của mình; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của người được lấy phiếu tín nhiệm. Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", Tổng Bí thư nêu rõ.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành TƯ đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư đề nghị bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Kim Anh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị thể hiện chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới.
Theo chương trình, hội nghị diễn ra đến ngày 17.5.
Theo Văn Hiếu (VOV)