Ồ ạt khai thác cát ở sông Lại Giang:
Lợi ít, hại nhiều
Việc khai thác cát ồ ạt đã làm biến dạng sông Lại Giang (huyện Hoài Nhơn). Dòng chảy, bờ và doi cát trên sông bị thay đổi, để lại nhiều hiểm họa. Hệ lụy này xuất phát từ công tác quy hoạch, cấp phép và quản lý khai thác cát lỏng lẻo trong khoảng 7 năm trở lại đây.
Vùng hạ lưu dòng Lại Giang bị biến thành những công trường khai thác cát hoạt động liên tục ngày đêm. Nhiều đoạn sông chảy qua địa phận 2 thôn Lại Khánh và Định Bình, xã Hoài Đức hay khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn bị cày xới khiến lòng sông luôn nham nhở. Không chỉ thế, việc khai thác cát tràn lan đã phá vỡ cấu trúc phân tầng; làm sạt lở nhiều bờ bãi, thay đổi dòng chảy, thay đổi môi trường sống, khiến nguồn lợi thủy sản kiệt quệ.
Chưa hết, việc cấp phép khai thác cát bừa bãi, thiếu quy hoạch đã khiến hàng chục héc ta đất dọc 2 triền sông bị sạt lở, bị móc hàm ếch, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bị khai thác bừa bãi, lòng sông xuất hiện nhiều mô đất, hố sâu; đây chính là những cái bẫy ngầm nguy hiểm cho con người. Đơn cử như sáng 13.3, sau khi tan trường, 11 em học sinh lớp 9A1 Trường THCS Bồng Sơn II rủ nhau xuống nhà bạn cùng lớp (ở khối 1, thị trấn Bồng Sơn) chơi và bẻ bắp về nấu ăn. Trong thời gian chờ bắp chín, 4 em Trần Quang Thạch, Nguyễn Bá Sinh, Trương Thanh Bảo Quốc, Trần Trà Gia Huy sang bên kia đoạn sông thuộc thôn Định Bình, xã Hoài Đức tắm thì bất ngờ cả 4 đều bị rơi vào luồng xoáy, rất siết do việc khai thác cát để lại. Hậu quả, em Thạch bị ngạt nước và chết trên đường đưa đi cấp cứu, 3 học sinh còn lại thoát chết trong gang tấc.
Ông Hồ Ngọc Thủy, khối trưởng khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn, chỉ rõ: Dòng chảy sông Lại Giang vốn ổn định, mấy năm gần đây do bị khai thác cát quá mức đã thay đổi nhiều, mỗi năm lại một khác. Hậu quả của hiện tượng dòng chảy không ổn định rất khó lường. Đến mùa mưa lũ nguy cơ xói lở, vỡ hệ thống đê kè rất cao.
“Trước khi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát, Sở TN-MT cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực tế, rà soát kỹ càng để tránh những hệ quả xấu xảy ra. Nhưng dù có nghiên cứu tỉ mỉ đến đâu chăng nữa, việc khai thác cát cũng để lại nhiều hệ lụy xấu như sạt lở, dòng chảy bị thay đổi… ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân. Chúng ta đang phải trả giá đắt, mà cụ thể nhất là nạn thiên tai bão, lũ; hạn hán diễn biến ngày càng dữ dội hơn!”, ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cảm nhận qua thực tế.
Những hệ lụy từ việc khai thác cát bừa bãi trên dòng Lại Giang thời gian qua là rất rõ ràng. Điều đáng quan tâm là việc quản lý hoạt động của các mỏ khai thác cát trên dòng Lại Giang hiện nay còn lỏng lẻo. Đề nghị các ngành chức năng của tỉnh nên kiểm tra, xử lý dứt điểm để trả lại sự ổn định cho sông Lại Giang.
Để giải quyết nhu cầu cát xây dựng cho địa phương, Sở TN- MT đã quy hoạch khu khai thác cát trên sông Lại Giang, đoạn chảy qua địa bàn xã Hoài Đức, cấp phép cho 2 đơn vị Công ty TNHH Đông Hà và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Tín khai thác theo quy định mà UBND tỉnh ban hành. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi một số phương tiện khai thác cát vẫn cố tình khai thác cát ở gần bờ hoặc những vùng không cho phép vì chi phí vận chuyển ít hơn, lợi nhuận cao hơn.
NHÃ LÂM