Khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng để phát triển
Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18.5) năm 2023 có chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN về tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
TS. Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN. Ảnh: TRỌNG LỢI
*Chủ đề Ngày KH&CN năm nay mang ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Luật KH&CN năm 2013 quy định ngày 18.5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Năm 2023, Bộ KH&CN đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, nhằm biểu dương và tôn vinh các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN, đổi mới sáng tạo nổi bật; thu hút các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hoạt động KH&CN trong nước. Đồng thời, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN trong tương lai…
Hưởng ứng hoạt động kỷ niệm này, năm nay, Sở đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng, như: Thông tin về thành tựu KH&CN phục vụ các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, mục đích, ý nghĩa của Ngày KH&CN Việt Nam; tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “KH&CN và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”, kết hợp giới thiệu chính sách, pháp luật, nhằm hỗ trợ các đơn vị, DN trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh…
Không chỉ phát triển mạnh về con giống, Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) còn ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa vào chăn nuôi. Ảnh: T.LỢI
* Vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển KT-XH của tỉnh là rất quan trọng, đặc biệt là trong nền công nghiệp 4.0…
- Đúng vậy! Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, KH&CN, đổi mới sáng tạo được xem là cơ sở quan trọng hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng coi đó là một trong những đột phá chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Tại Bình Định, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để hiện thực các mục tiêu, nhiệm vụ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng công nghệ được đưa vào sản xuất, như: Đánh bắt, chế biến thủy hải sản; sản xuất gà giống, tôm giống; sản xuất cây giống nông, lâm nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi số,... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cây trồng, vật nuôi và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, trong năm 2022, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh gần 42%, góp phần đưa GRDP của tỉnh tăng 8,57% - cao nhất trong vòng 10 năm qua.
*Để KH&CN, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển KT-XH của tỉnh, ngành KH&CN có giải pháp gì để nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong lĩnh vực này?
- Căn cứ vào Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.5.2021 về phát triển KH&CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, ngành KH&CN của tỉnh đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, như: Nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư của DN vào sản xuất, kinh doanh. Chú trọng việc khai thác hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ lõi hiện có trên thế giới để áp dụng vào tỉnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển và kêu gọi các DN KH&CN lớn đầu tư vào tỉnh.
Xây dựng các chính sách thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng nội dung khoa học các ngành, lĩnh vực quản lý để đề xuất Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, các buổi gặp mặt theo chuyên đề với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu để kịp thời đề xuất cho tỉnh các giải pháp phát triển theo ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Khai thác có hiệu quả các dịch vụ trải nghiệm khoa học, phương pháp giáo dục STEM tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hướng dẫn tổ chức, cá nhân ươm tạo công nghệ, đổi mới công nghệ; hướng dẫn tổ chức cách thức xây dựng, quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ tại tổ chức. Phối hợp sở, ngành liên quan triển khai ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP tại địa phương. Thực hiện công tác quản lý và đề xuất các nhiệm vụ KH&CN các cấp, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Đặc biệt là phối hợp với Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) triển khai thực hiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, trong đó có 3 sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn (Yến sào Bình Định, Ớt Bình Định và Bưởi Bình Định). Đồng thời, kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo phát triển thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ nhằm thực hiện chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030; hướng dẫn địa phương hình thành, phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành…
*Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)