Quảng bá giá trị di sản văn hóa của Bình Ðịnh
Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18.5.1978 - 18.5.2023) và kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023), Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Bình Ðịnh.
Ông Bùi Tĩnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh về các hoạt động này.
* Chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay được Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) chọn là “Bảo tàng, tính bền vững và an sinh”, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Năm 1977, ICOM đã chọn ngày 18.5 hằng năm là Ngày Quốc tế Bảo tàng với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển xã hội. Năm nay, Ngày Quốc tế Bảo tàng có chủ đề “Bảo tàng, tính bền vững và an sinh”. Với thông điệp này, ICOM khuyến khích các bảo tàng thể hiện vai trò như là các đại sứ của Hiệp hội, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu và củng cố hợp tác với các tổ chức có cùng mục tiêu để cùng tạo ra tương lai bền vững thông qua các chương trình giáo dục, trưng bày, tiếp cận cộng đồng và nghiên cứu.
* Năm nay, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức những hoạt động gì để hưởng ứng?
- Những năm trước, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm ảnh giới thiệu về di sản văn hóa của Bình Định tại một số di tích, như: Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn (huyện Tuy Phước), Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê (huyện Tây Sơn); Nhà lưu niệm Chi bộ Trà Quang, Chi bộ Hà Ra - Phú Hựu (huyện Phù Mỹ); phối hợp với Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày chuyên đề Gốm Champa Bình Định…
Năm nay, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Quốc tế Bảo tàng và kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tại khuôn viên Bảo tàng, như: Triển lãm ảnh chủ đề “Di sản văn hóa Bình Định - Bản sắc và tiềm năng”, phục vụ công chúng từ ngày 17 - 21.5. Theo đó, chúng tôi sẽ trưng bày 168 bức ảnh, 40 pa nô và hơn 30 hiện vật, cổ vật giới thiệu sinh động về các loại hình di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể Bình Định. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Thư viện tỉnh tạo hình xếp sách nghệ thuật thành tháp Chăm, trưng bày hơn 1.000 đầu sách để phục vụ bạn đọc; tổ chức những tiết học lịch sử tại Bảo tàng, viết thư pháp cho chữ tại Bảo tàng…
Học sinh tham quan, trải nghiệm học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
* Bảo tàng tỉnh có giải pháp gì để phát huy hiệu quả trong việc phục vụ công chúng, thưa ông?
- Trong việc kết nối giữa bảo tàng với thế hệ trẻ, nhất là học sinh, chúng tôi thật sự vui mừng và tự hào khi Bảo tàng tỉnh Bình Định là một trong những bảo tàng trên cả nước tiên phong triển khai mô hình dạy lịch sử tại bảo tàng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần để Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định 2752/QÐ-BVHTTDL ngày 31.10.2022 triển khai Kế hoạch thực hiện công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa, năm thứ nhất (2022 - 2023) tại các bảo tàng trên khắp cả nước.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh, sinh viên theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, chúng tôi đã tham mưu Sở VH&TT xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Sở VH&TT và Sở GD&ĐT triển khai chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh, giai đoạn 2023 - 2026 nhằm bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao chất lượng giáo dục, ý thức giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.
Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh sẽ tập trung đổi mới toàn diện; chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên; phối hợp các DN du lịch thiết kế các tour, tuyến du lịch đưa du khách đến tham quan bảo tàng, các di tích trên địa bàn tỉnh do chúng tôi quản lý… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu phục vụ công chúng.
* Xin cảm ơn ông!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)