Võ sư Hà Trọng Ngự:
Một đời tâm huyết với võ cổ truyền
Hơn 40 năm gắn bó với nghiệp dạy võ, võ sư Hà Trọng Ngự đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện đã gần ở tuổi thất thập, định cư ở TP Hồ Chí Minh, võ sư Hà Trọng Ngự vẫn miệt mài truyền dạy học trò của mình những tinh hoa võ cổ truyền của dân tộc. Nhân dịp về tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V - Bình Định 2014, võ sư đã dành cho phóng viên Báo Bình Định một cuộc trao đổi thân tình.
Truyền nhân của “Hùm xám miền Trung”
Hà Trọng Ngự sinh năm 1947, tại huyện Tuy Phước. Kế thừa truyền thống võ học của dòng họ, từ năm 6 tuổi, Hà Trọng Ngự đã được gia đình cho học võ. Được người bác là võ sư Hà Trọng Sơn, người được mệnh danh là “Hùm xám miền Trung” truyền dạy tận tình, Hà Trọng Ngự nhanh chóng phát triển tối đa năng khiếu võ thuật và giành nhiều chiến thắng khi thượng đài.
* Có lẽ ông đã học được hết những tinh hoa từ thầy Hà Trọng Sơn?
- Bể học bao la, tôi không dám nhận là “đã học được hết những tinh hoa từ sư phụ Hà Trọng Sơn”. Tôi có thuận lợi vừa là học trò vừa là cháu nên được thầy Hà Trọng Sơn tận tâm truyền dạy không chỉ về võ thuật, mà còn về cách đối nhân xử thế. Thầy luôn nhắc nhở tôi cố gắng khổ luyện nhiều tuyệt kĩ như các bài quyền Ba chân hổ, Bạch miêu quyền, Linh miêu độc chiến, Xà miêu lưỡng thử… Đây là nền tảng võ học vững chắc để tôi có được những thành công trong thi đấu và gắn bó lâu dài với nghiệp võ.
* Sau năm 1975, trong nhiều năm liền, ông đào tạo được nhiều học trò đấu đài đạt thành tích cao. Sau đó, ông được giao làm HLV phó đội tuyển Võ cổ truyền Bình Định năm 1995 – 1996, chắc ông có nhiều bí quyết?
- Tùy vào địa điểm thi đấu mà tôi có cách chỉ dạy học trò phù hợp. Nếu đấu dưới đất, khi địch thủ đánh thì mình thối lui di chuyển trước để thăm dò đối thủ rồi mới phản công. Còn khi thi đấu trên sàn đài thì phải vừa tấn công vừa phòng thủ, có lúc giả bại dụ địch chủ quan để rơi vào tình huống phản đòn bất ngờ không kịp trở tay. Khi đối phương tấn công thì phải nhanh chóng áp sát để phá đòn thế, hạ đối phương… Đại loại là thế nhưng còn tùy vào đối thủ là ai, sở trường sở đoản của họ như thế nào, khả năng của mình, thậm chí là sức khỏe, tâm lý của mình có tốt không để có cách xử lý phù hợp. Mình phải chỉ đạo, hướng dẫn học trò liên tục theo diễn biến của trận đấu nữa.
* Từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội võ thuật TP Quy Nhơn vào những năm 90. Ông có nhận xét gì về sự phát triển của võ cổ truyền khi ấy ?
- Phong trào luyện tập võ cổ truyền ở TP Quy Nhơn khi đó phát triển mạnh, có tổng cộng 16 võ đường thu hút đông người luyện tập. Hội võ thuật TP Quy Nhơn thường xuyên tổ chức cho các võ đường thi đấu giao lưu với nhau để các võ sĩ được va chạm, tích lũy kinh nghiệm.
Dụng võ Bình Định ở đất phương Nam
Năm 1997, võ sư Hà Trọng Ngự chuyển vào miền Nam để sống gần các con, đồng thời mong muốn quảng bá rộng rãi môn phái “Việt Nam võ ta - Tây Sơn Bình Định” qua việc mở các võ đường ở TP Biên Hòa, TP Hồ Chí Minh.
* Ông có thể cho biết vì sao môn phái lại lấy tên gọi “Võ Ta- Tây Sơn Bình Định” ?
- Môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định do võ sư Hà Trọng Sơn sáng lập nên. Thầy Sơn đã nhấn mạnh cho các học trò về tên gọi của môn phái nhằm khẳng định niềm tự hào về võ cổ truyền Việt Nam nói chung, võ Tây Sơn - Bình Định nói riêng là võ thuật của chúng ta mang những giá trị độc đáo riêng, chứ không phải là võ Tàu, võ Tây.
Năm 2009, khi thầy Hà Trọng Sơn lâm bệnh nặng, ông cho gọi tôi về giao lại “ấn tín” và chức Chưởng môn Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định. Tôi luôn khắc cốt ghi tâm những lời gan ruột thầy dặn dò khi ấy: “Cả cuộc đời thầy gắn bó máu thịt với võ cổ truyền. Giờ thầy lâm trọng bệnh không còn sống được bao lâu, nay giao lại cho con nhận lãnh sứ mệnh gìn giữ và phát triển môn phái. Con thực hiện tốt được điều này thì thầy ở dưới suối vàng cũng mãn nguyện”.
* Khi đến sống ở các vùng đất mới, việc truyền dạy võ cổ truyền Bình Định của ông như thế nào ?
- Ngay trong thời gian đầu đến TP Biên Hòa vào năm 1997, tôi đã treo bảng truyền dạy võ cổ truyền Bình Định, học trò tìm đến ngày càng đông. Đến năm 2007, tôi lại chuyển lên TP Hồ Chí Minh để sống gần các con hơn. Nhờ cũng là Phật tử và có mối quan hệ tốt với chủ trì chùa Đồng Hiệp ở quận Gò Vấp, tôi đã được nhà chùa tạo điều kiện cho mượn khoảng sân rộng để dạy võ.
Để gầy dựng lứa học trò ban đầu, tôi dạy võ miễn phí cho các thầy ở chùa Đồng Hiệp, rồi dạy võ cho lực lượng thanh niên tham gia dân phòng, phường đội. Những học trò này sau đó thấy học hiệu quả trong rèn luyện sức khỏe, tự vệ và đấu tranh chống tội phạm, nên đã giới thiệu thêm nhiều người khác đến học.
* Quan điểm của ông khi truyền dạy học trò ?
- Xây dựng nền tảng đạo đức cho học trò luôn là “kim chỉ nam” phát triển môn phái chúng tôi. Học trò khi nhập môn phải tuyên thệ 10 điều môn quy để luôn kính tổ, trọng thầy, yêu mến bạn đồng môn, khiêm tốn, thật thà… đồng thời khi Tổ quốc cần thì phải tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tôi phân tích cho học trò hiểu về tinh thần võ đạo cao đẹp của võ cổ truyền Bình Định. Từ đó, các em coi việc học võ là để rèn luyện sức khỏe, tự vệ là chính. Dù người ta có gây gổ tấn công mình thì cũng phải biết nhẫn nhịn, tránh né đòn để lấy “nhu chế cương” cho qua chuyện. Nếu bị dồn ép nguy hiểm lắm thì mới phản đòn, chứ không sử dụng võ thuật tùy tiện để đánh người.
Đóng góp bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định
* Hơn 40 năm mở võ đường truyền dạy học trò, võ đã có những trải nghiệm và đóng góp gì cho việc bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định ?
- Không dễ để truyền dạy thành công học trò nếu bản thân người thầy trước đó không đam mê khổ luyện thành tài. Tôi cố gắng góp nhặt những tinh hoa võ cổ truyền Bình Định, kết hợp với những kinh nghiệm tích lũy qua từng năm tháng gắn bó với nghiệp võ để tận tâm truyền lại cho thế hệ sau. Theo thống kê ghi chép trong sổ sách của môn phái, 17 năm qua tôi đã truyền dạy võ cổ truyền Bình Định cho hơn 12.000 môn sinh ở TP Biên Hòa và TP Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể đến số lượng học trò tôi đã truyền dạy trong khoảng thời gian 25 năm trước đó khi còn ở quê nhà Bình Định. Tôi hiện có 16 học trò trình độ võ sư, cùng nhiều học trò là chuẩn võ sư, huấn luyện viên tích cực tham gia truyền bá võ cổ truyền Bình Định lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Trong đó, có hai học trò là võ sư đang dạy võ cổ truyền Bình Định ở các nước Mỹ, Na Uy.
* Hiện nay đã gần ở tuổi thất thập, ông có suy nghĩ gì về tương lai truyền dạy võ cổ truyền Bình Định?
- Tôi vẫn còn sung sức truyền dạy học trò hằng ngày. Nhiều năm qua, tôi cũng dành nhiều thời gian ghi chép tài liệu, quay băng đĩa về các tinh hoa võ thuật của môn phái để thế hệ sau tiếp tục học hỏi, nghiên cứu phát triển. Tôi cũng tham gia cộng tác với Ban nghiên cứu võ cổ truyền của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam. Trong nhiều buổi họp mặt đồng hương của người Bình Định ở TP Hồ Chí Minh, tôi đều dẫn học trò đến biểu diễn phục vụ.
Một điều khiến tôi yên lòng là các con trai đều đam mê luyện tập võ cổ truyền từ nhỏ, nên hiện đều có thể kế cận tôi truyền dạy tốt cho học trò. Con trai Hà Trọng Kha Vy (33 tuổi) có nghề chính là dược sĩ, nhưng cũng là võ sư dành thời gian truyền dạy võ cổ truyền vào mỗi buổi tối. Hai người con trai khác của tôi là kiến trúc sư, nhưng cũng đã được công nhận chuẩn võ sư, huấn luyện viên quốc gia võ cổ truyền.
* Lần đầu tiên được mời về tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V - Bình Định 2014, ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của võ cổ truyền Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng ?
- Thật vinh dự khi gia đình tôi cùng học trò được trở về quê hương để đóng góp chung vào việc giới thiệu, quảng bá võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè võ thuật trong nước và quốc tế. Tham gia giao lưu, biểu diễn cùng các đoàn ở các võ đường, tôi thấy võ cổ truyền Việt Nam đã được các võ sư, võ sinh người nước ngoài đam mê tập luyện và đem về các tiết mục trình diễn khá tốt trong Liên hoan.
Sau khi võ cổ truyền Bình Định được vinh danh là di sản văn hóa quốc gia, cần có thêm những kế hoạch, hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy hiệu quả hơn nữa. Phải làm sao cho thế hệ trẻ ở Bình Định hiện nay có ý thức, cũng như được tạo điều kiện luyện tập võ cổ truyền để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của miền đất võ.
* Xin cảm ơn võ sư. Chúc ông mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến cho võ cổ truyền Bình Định.
HOÀI THU (Thực hiện)
Em sinh năm 2/4/1994 ở thanh hóa từ lâu đã đam mê võ thuật cổ truyền . so sánh với các võ khác được xem trên truyền hình với các thế võ rất đẹp mắt và mềm mại không mạnh mẽ như các phái võ khác. chắc cũng do tính cách trầm nên mới có suy nghĩ như vậy. từ lâu em cũng muốn đi học võ nhưng mà không có điều kiện để đi học. hôm nay lên đây là muốn trao đổi và được biết thông tin về võ đường mình ạ/ em xin chân thành cảm ơn.!