Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023: Nhiều chuyển biến tốt
Bộ NN&PTNT vừa công bố xếp hạng các địa phương triển khai tốt công tác an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản năm 2022. Với 84/100 điểm (tối đa) tỉnh Bình Ðịnh đứng thứ 19, tăng 9 bậc so với năm 2021 (năm 2021 tỉnh Bình Ðịnh đứng thứ 28). Theo nhận xét của Bộ NN&PTNT, công tác quản lý chất lượng trong lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản tại tỉnh Bình Ðịnh đã có chuyển biến tích cực.
Đánh giá này căn cứ tổng quan trên nhiều phương diện, trong công tác quản lý, cách toàn ngành tổ chức phân cấp trong công tác quản lý từ tỉnh tới cơ sở; hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sản xuất, hiệu quả đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho các sản phẩm nông nghiệp.
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra ATTP do ngành nông nghiệp làm trưởng đoàn thực hiện kiểm tra tại 19 cơ sở trong “Tháng hành động vì ATTP năm 2023”. Ảnh đơn vị cung cấp
Hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2023 từ ngày 15.4 - 15.5 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, ngành nông nghiệp phối hợp với ngành y tế, công thương thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP. Trong đó, đoàn do ngành nông nghiệp làm trưởng đoàn kiểm tra tại 19 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 12 triệu đồng.
Tuy nhiên, trọng tâm của công tác đảm bảo ATTP không phải là răn đe, xử phạt mà là tuyên truyền, động viên, hướng dẫn làm đúng. Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục tổ chức công tác tuyên truyền, tập huấn cho hơn 100 lượt người về quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, cán bộ chuyên môn của Chi cục đã thực hiện giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật nuôi (kết quả 5 mẫu giám sát đều đảm bảo yêu cầu).
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), ngành nông nghiệp quản lý 13.148 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong đó tuyến tỉnh quản lý 4.690 cơ sở; tuyến huyện quản lý 8.468 cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 3.680/4.690 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tuyến tỉnh, chiếm 78,5%; có 4.116 cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP đạt tỷ lệ 89,2%.
Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, thông qua giám sát định kỳ, giám sát chủ động đối với tôm thẻ chân trắng không phát hiện tồn dư chất cấm. Từ đầu năm đến nay, Chi cục cùng với các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp lấy 12 mẫu giám sát, trong đó có 4 mẫu giám sát dư lượng chất cấm của tôm, 8 mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau quả, kết quả các mẫu giám sát đều đảm bảo tỷ lệ theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, qua các đợt thanh, kiểm tra công tác quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn tỉnh, điểm rất đáng phấn khởi là chuyển biến tích cực của người sản xuất qua nhận thức, sự nghiêm túc trong thực hiện các quy định về ATTP. Các cơ sở hoạt động đều chấp hành đúng các quy định về quản lý chất lượng ATTP, vi phạm chủ yếu ở một số cơ sở quy mô nhỏ, manh mún, hoạt động thời vụ. Rõ ràng, qua thực tế, chúng tôi đánh giá người dân không chỉ thay đổi để nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn chủ động kết nối với cơ quan chức năng tham vấn các thông tin liên quan. Về phía cơ quan chức năng, hiện nay thực hiện việc phân cấp trong quản lý chất lượng ATTP, Chi cục đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức cho các cán bộ làm công tác quản lý ở cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân được biết. Riêng các tháng đầu năm 2023, Chi cục phối hợp với Chi cục Thủy sản rà soát hồ sơ, cấp xác nhận ATTP cho các tàu cá đáp ứng được các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về tháo gỡ “thẻ vàng” hải sản.
Trong tháng 5.2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức tập huấn kiến thức liên quan tới công tác quản lý chất lượng cho đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở; đồng thời tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thực hiện công tác quản lý, giám sát các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; giám sát chủ động, giám sát định kỳ đối với các sản phẩm nông nghiệp.
THU DỊU