Thi công nâng cấp QL 19 gây nứt nhà dân: Cần đền bù thiệt hại cho hộ dân bị ảnh hưởng
Nhiều hộ dân tại thôn Trung Sơn và Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) phản ánh, thời gian qua, Công ty CP Xây dựng Bắc Trung Nam thi công nâng cấp QL 19 (thuộc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên) bằng phương pháp lu rung gây nứt nhà, khiến người dân lo lắng, bất an.
Thi công gây nứt nhà dân
Từ phản ánh của người dân, ngày 16 và 17.5, phóng viên Báo Bình Định đã ghi nhận thực tế tại thôn Trung Sơn và Thượng Sơn, xã Tây Thuận. Tại đây, một số nhà có nhiều vết nứt chạy khắp tường và cột trụ, mỗi đoạn nứt dài 0,5 - 2 m, bề rộng 1 - 10 mm.
Ông Nguyễn Huệ (ở xóm 4, thôn Trung Sơn) cho hay, đầu tháng 3.2023, sau khi Công ty CP Xây dựng Bắc Trung Nam dùng xe lu thi công đoạn đường ngay trước nhà, ông phát hiện tường xuất hiện nhiều vết nứt, vết dài nhất hơn 1 m. Khi xảy ra sự việc, ông đã báo cáo và làm đơn nhiều lần gửi lên UBND xã Tây Thuận, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Lý (ở cùng địa phương) cho rằng, hiện tượng nhà bị nứt tường, nền là do thi công phần cấp phối đá dăm bằng phương pháp lu rung, với khoảng cách rất gần nên gây ra các rung động mạnh trong lòng đất, làm hư hỏng các công trình.
“Hiện, vết nứt xuất hiện khắp nơi trong nhà tôi, nhất là phần tường ở phòng thờ trên tầng 2 cũng đã xuất hiện một vết nứt dài hơn 2 m, bề rộng vết nứt gần 1 cm. Nếu chủ đầu tư không có các biện pháp hỗ trợ sửa chữa sớm, vào mùa mưa sắp tới nguy cơ nước mưa sẽ chảy theo các vết nứt vào nhà, gây đổ tường”, ông Lý cho biết.
Trước phản ánh của người dân, sáng 17.5, UBND huyện Tây Sơn, xã Tây Thuận và Ban Quản lý dự án QL 19 đã tổ chức hội nghị đối thoại với công dân liên quan đến Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên. Tại hội nghị, nhiều người dân mong muốn chủ đầu tư có phương án hỗ trợ, đền bù để người dân sớm sửa chữa nhà, ổn định cuộc sống; đơn vị thi công chấm dứt việc thi công bằng phương pháp lu rung; cần tăng cường các biện pháp hạn chế khói, bụi do làm đường gây ra.
Quang cảnh hội nghị đối thoại sáng 17.5. Ảnh: C.H
Ngoài ra, cần có các phương án thiết kế và làm lại mương thoát nước hai bên đường, vì mương thoát nước cao hơn nền nhà, trời mưa nước tràn vào nhà, gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Đền bù thiệt hại, hạn chế ảnh hưởng xấu
Tại hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cho biết, theo yêu cầu kỹ thuật, thi công công đoạn cấp phối đá dăm phải sử dụng biện pháp lu rung để đảm bảo độ nén chặt của nền đường. Việc ảnh hưởng đến nhà dân là rủi ro đã được tính đến trong đánh giá tác động môi trường. “Sắp tới, chúng tôi sẽ giám định và xác nhận hiện trạng hư hỏng công trình của người dân; sau khi kết thúc thi công lu rung, sẽ giám định lần 2 để làm cơ sở đánh giá các hư hỏng. Từ đó sẽ xác định mức độ thiệt hại và đền bù; hoàn thành trước khi dự án được nghiệm thu, bàn giao”, ông Tân cho hay.
Ông Trần Ngọc Lý (ở thôn Trung Sơn) chỉ tay vào đoạn tường bị nứt. Ảnh: C.H
Về vấn đề mương thoát nước xây dựng cao hơn so với nền nhà, theo ông Tân, việc thi công theo đúng thiết kế được Bộ GTVT phê duyệt. Tại một số vị trí đọng nước cục bộ, nước chảy ngược vào nhà là do địa hình không phù hợp với tiêu chuẩn chung, một số nhà ở thấp hơn so với bình thường. Chủ đầu tư có phương án xây dựng các công trình thoát nước để tránh gây ùn ứ nước; bố trí các lối đi lên xuống trên phạm vi đã được giải phóng mặt bằng để người dân đi lại thuận tiện hơn.
“Trước phản ánh về việc thi công gây ô nhiễm môi trường, trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ triệu tập cuộc họp với nhà thầu, tư vấn giám sát để củng cố lại công tác bảo vệ môi trường, tăng cường tưới nước mặt đường, hạn chế thấp nhất khói bụi gây ra do thi công”, ông Tân nói.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Khánh đánh giá các kiến nghị của người dân tại thôn Trung Sơn và Thượng Sơn rất xác đáng, đúng thực tế. Chủ đầu tư cần thực hiện nhanh cam kết đền bù cho người dân. Chủ đầu tư, đơn vị giám sát cần nhanh chóng rà soát lại biện pháp thi công thời gian qua so với thiết kế, đánh giá mức độ bụi, ngập cục bộ tại một số vị trí và có ý kiến trả lời cho người dân.
Vấn đề mặt mương thoát nước cao hơn so với nền nhà, gây khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, huyện đề nghị chủ đầu tư kịp thời tạo đường ra/vào nhà cho người dân. Trong quá trình thi công, nhà thầu cần lắp đặt biển báo, đèn tín hiệu vào ban đêm, tránh gây TNGT. Chủ đầu tư chỉ đạo cho nhà thầu thi công sớm thảm nhựa tại một số vị trí để hạn chế bụi, ô nhiễm môi trường. “Mặt khác, UBND xã Tây Thuận cần thành lập tổ công tác để nắm bắt ý kiến của người dân. Tổ công tác phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công phân loại các ý kiến của người dân và xử lý kịp thời các vấn đề theo thẩm quyền; hạn chế đơn thư vượt cấp, kéo dài”, ông Khánh yêu cầu.
CHƯƠNG HIẾU