Quyền lực của nhà nước là một chỉnh thể thống nhất
Tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp 2013 định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng, thẩm quyền của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên một số cá nhân đã lợi dụng việc này để yêu cầu “cần thực hiện tam quyền phân lập trong tổ chức quyền lực nhà nước” ở nước ta. Vậy thực chất của “tam quyền phân lập là gì?”.
Phân quyền là một trong những lý thuyết chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong tư tưởng và thực tiễn chính trị thế giới. So với các tư tưởng chính trị trong các chế độ độc tài chuyên chế, lý thuyết phân quyền được coi là tư tưởng thời đại, đánh dấu sự chuyển biến từ việc sử dụng “quyền lực dã man” trong các xã hội chuyên chế sang việc thực thi quyền lực văn minh trong xã hội dân chủ. Tư tưởng phân quyền được các nhà triết học đặt ra từ thời La Mã cổ đại, phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện ở thời kỳ Khai sáng với sự ra đời của thuyết Tam quyền phân lập.
Aristote (384 - 322 TCN) - nhà triết học cổ đại Hy Lạp khẳng định: “Trong bất kỳ nhà nước nào cũng cần phải có những yếu tố bắt buộc: cơ quan làm ra luật có trách nhiệm trông coi việc nước, các cơ quan thực thi pháp luật và tòa án”. Về sau tư tưởng về các bộ phận quyền lực dần dần được các nhà tư tưởng của cách mạng tư sản đưa lên thành học thuyết hoàn chỉnh.
Có thể nói, với mục đích chống lại sự lạm quyền, thuyết phân quyền đã thể hiện sự tiến bộ so với chế độ quân chủ chuyên chế trước đó. Tuy nhiên, học thuyết này chịu ảnh hưởng lớn từ thuyết cơ giới - một học thuyết ra đời và phát triển ở thế kỷ XVII - XVIII với đại diện là các nhà khoa học nổi tiếng như Copernicus, Galilé, Descartes… Tư duy cơ giới nhìn nhận tổng thể chỉ là sự cộng lại đơn thuần của các bộ phận, nhìn nhận sự vật trong thế cô lập, tách biệt, không có mối liên hệ nhau. Đến thế kỷ XIX, chính các nước phương Tây đã nhận ra và có xu hướng khắc phục quan điểm này bằng tư duy hệ thống.
Như vậy, có thể thấy, ngay trong tư tưởng của các nhà phân quyền đã khẳng định sự thống nhất vốn có của quyền lực nhà nước. Bởi, việc “ghép lại” hoặc “tách ra” các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước cũng chính là việc tạo nên và bắt nguồn từ một chỉnh thể thống nhất của quyền lực nhà nước. Thực tế cho thấy, quyền lực nhà nước dù có tổ chức theo tam quyền phân lập thì thực chất vẫn là thống nhất. Việc định ra các bộ phận của quyền lực nhà nước như quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp chẳng qua chỉ là phân công lao động quyền lực, xác định các vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mỗi bộ phận và mối quan hệ, ràng buộc giữa các bộ phận đó trong việc thực thi quyền lực nhà nước thống nhất mà thôi. Thực tế các nước tư bản, quyền lực luôn có xu hướng tập trung vào tay giai cấp tư sản cầm quyền.
TRUNG NGÔN