Thủ tướng: Việt Nam luôn chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế
Thủ tướng đề nghị WTO tiếp tục cải tổ mạnh mẽ và thực chất để khẳng định vai trò là nền tảng của hệ thống thương mại đa phương minh bạch, công bằng, bảo đảm lợi ích, hiệu quả thiết thực cho các nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới WTO Ngozi Okonjo-Iweal. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 18.5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò và nỗ lực của bà Tổng Giám đốc trong việc điều hành, thúc đẩy các hoạt động của WTO; chúc mừng bà vì những kết quả rất đáng ghi nhận đã đạt được từ khi nhậm chức Tổng Giám đốc WTO, tháng 3.2021.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng một cách sâu rộng, toàn diện, ngày càng thực chất, hiệu quả.
Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên 4.100 USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371 tỷ USD năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã nằm trong danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; đã ký kết khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương, hơn 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư.
Chia sẻ về những thành công của Việt Nam theo đề nghị của Tổng Giám đốc WTO, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam có đường lối đúng đắn về phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt trong quá trình đó, Việt Nam lấy nguồn lực bên trong là chiến lược, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng với đó, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Thủ tướng khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm của WTO, Việt Nam chủ trương phát huy vai trò chủ động, tích cực tại các khuôn khổ hợp tác của WTO, nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết và đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề quan tâm chung tại WTO.
Việt Nam luôn ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng và dựa trên luật lệ với WTO đóng vai trò trung tâm nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, đồng thời góp phần ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra đối với các nước như kết nối các chuỗi cung ứng, loại bỏ các hàng rào thuế quan, chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại; thúc đẩy trao đổi thương mại trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweal. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng mong muốn WTO tiếp tục phát huy vai trò điều phối nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu theo hướng bao trùm, cân bằng; hỗ trợ các nước thành viên nắm bắt các cơ hội của xu hướng dịch chuyển, tái định hình các chuỗi cung ứng, sản xuất, đầu tư... đặc biệt là các nước đang phát triển và kém phát triển, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của WTO.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa WTO và Việt Nam, Thủ tướng đề nghị WTO tiếp tục cải tổ mạnh mẽ và thực chất để khẳng định vai trò là nền tảng của hệ thống thương mại đa phương minh bạch, công bằng, bảo đảm mang lại lợi ích, hiệu quả thiết thực cho các nước, nhất là những nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam; quá trình cải cách WTO cần bảo đảm cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ, phù hợp với trình độ phát triển, năng lực thực thi của các thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển có trình độ thấp và kém phát triển.
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình thực hiện cam kết gia nhập WTO, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trong xã hội và thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong nền kinh tế; phối hợp cùng các thành viên đóng góp một cách thực chất, hiệu quả vào các hoạt động WTO trong thời gian tới, cụ thể là triển khai các cam kết của Hội nghị Bộ trưởng WTO 12 (tháng 6.2022); cũng như nỗ lực đạt được đồng thuận về hướng xử lý những vấn đề lớn còn tồn tại mà WTO và các nước thành viên sẽ cần tiếp tục thúc đẩy.
Thủ tướng mong bà Tổng Giám đốc và WTO tiếp tục ủng hộ thúc đẩy các chương trình hợp tác, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của WTO nhằm giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đóng góp thiết thực vào các hoạt động của WTO.
Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala chúc mừng thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; cho rằng thành công của Việt Nam đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển đất nước.
Đặc biệt, thời gian qua, trong khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức khá cao do Việt Nam có các định hướng lớn, song điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala nhất trí với các quan điểm của Thủ tướng Chính phủ trong việc cải tổ WTO cũng như việc tăng cường hợp tác giữa WTO với Việt Nam; mong muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế bao trùm; tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế, phụ nữ, trẻ em để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)