KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2023)
Mãi một lòng yêu kính Bác
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (thuộc Sở Nội vụ) đang bảo quản nhiều tài liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, có những tuyển tập, đề tài nghiên cứu khoa học, bài viết, thư của cán bộ, chiến sĩ cách mạng, người dân thể hiện ấn tượng đẹp, tấm lòng kính yêu Bác Hồ.
Kỷ niệm mãi xanh
Tài liệu liên quan đến Bác Hồ xuất hiện trong nhiều phông tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Đáng chú ý là tài liệu lưu trữ hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học thực hiện năm 1991 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “Bác Hồ với Bình Định - Bình Định với Bác Hồ”, có nhiều tư liệu giá trị, thông tin phong phú, sinh động. Trong đó, có tập tư liệu “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ”, với hai phần nội dung trọng tâm: Đảng bộ và nhân dân Bình Định thực hiện lý tưởng của Bác; các sáng tác văn học nghệ thuật lấy đề tài về Bác.
Trong tập tư liệu trên, có bài viết “Nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ” của tác giả Đặng Thành Chơn (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nguyên Phó Ban Dân vận Trung ương; đã mất năm 1991), nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo chia sẻ trong bài viết, trong quá trình tham gia cách mạng và kháng chiến của mình, tác giả là cán bộ hoạt động ở miền Nam có “diễm phúc đặc biệt” - sáu lần được tận mắt trông thấy và trực tiếp nghe Bác Hồ nói chuyện, hoặc được Bác cho gặp riêng.
“Bác có cách nói chuyện vui tươi, đầy sức thuyết phục, đôi lúc hóm hỉnh pha chút hài hước tế nhị. Thường sau khi nghe Bác nói, về ngẫm nghĩ đều thấy câu chuyện nào của Bác cũng mang tính giáo dục sâu sắc. Những lời phê bình của Bác thường nhẹ nhàng, sát với thực tế cuộc sống hằng ngày nên rất thấm thía, dễ tiếp thu, nhớ dai và nhất thiết phải lo sửa chữa”, ông Chơn viết.
Tác giả nhớ lúc ở chiến khu Việt Bắc, Bác bất ngờ đến thăm Trường Đảng của Trung ương lấy tên là Trường Nguyễn Ái Quốc, thiết lập trong rừng sâu. Có hai lần Bác lên lớp nói chuyện. “Vừa lên bục giảng, Bác liền hỏi: “Ở đây các cô, các chú có kế hoạch tăng gia sản xuất gì để cải thiện sinh hoạt không? Cả lớp chúng tôi trả lời: “Thưa Bác, có ạ”. Bác nói: “Lúc nãy Bác có đi dạo chung quanh, sao chẳng thấy luống rau, đám khoai nào của các cô, các chú cả? Chắc kế hoạch sản xuất còn đang ở trong óc của các cô, các chú chứ chưa ra ngoài vườn phải không?”. Bác nói rất trúng. Sự thật, chúng tôi mới định làm chứ chưa kịp thực hiện”, ông Chơn kể.
Lưu trữ viên của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh xem lại tài liệu hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “Bác Hồ với Bình Định - Bình Định với Bác Hồ”, để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: H.THU
Hướng về Người
Một số tài liệu về Bác được Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (hiện đóng ở số 12 đường Mai Hắc Đế, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) công bố, giới thiệu trên website ttltls.snv.binhdinh.gov.vn, như: “Ký ức một đêm giao thừa, đón thơ chúc Tết của Bác Hồ; Đồng bào, chiến sĩ miền Trung nhớ Bác; Dấu ấn Bình Định nhớ về Bác Hồ; Về một bức thư gửi lên Hồ Chủ tịch; Từ sau ngày Bác đi xa”…
Trong bài “Đồng bào, chiến sĩ miền Trung nhớ Bác” của tác giả Nguyễn Thành Văn (một người con Bình Định), có kể nhiều câu chuyện xúc động. Như ở một lớp vỡ lòng ở xã Hoài Châu (Hoài Nhơn), trong khi bé Minh được cô giáo gọi lên đánh vần hai chữ “Bác Hồ” viết trên bảng thì một loạt pháo địch dồn dập bắn tới. Cô giáo vội hối các em xuống hầm. Riêng bé Minh, em vẫn khoanh tay trước ngực nhìn thẳng lên bảng, miệng bi bô đánh vần cho hết hai chữ “Bác Hồ” rồi mới cùng các bạn vào hầm.
Hay ở huyện Hoài Ân, sau khi giải phóng, một câu chuyện được truyền đi rất nhanh và làm xúc động lòng người, đó là cụ Nguyễn Tiến Hinh (64 tuổi) đã giữ ảnh Bác Hồ suốt từ năm 1945 đến ngày quê hương giải phóng. Trong suốt hai mươi năm sống trong vòng kìm kẹp gắt gao của kẻ thù, cụ thường giấu tấm ảnh Bác Hồ ở hai nơi: Một là trên bàn thờ ông bà, hai là ở một cái túi được khâu rất khéo léo trước ngực áo của cụ. Khi quê hương được giải phóng, cụ chỉ ước ao có một điều: Mong sao nước nhà nhanh được thống nhất, cụ còn được sống ra miền Bắc, thăm quê hương của Bác Hồ…
Trong tài liệu “Về một bức thư gửi lên Hồ Chủ tịch” là câu chuyện cảm động khác của một cụ già ở Tam Quan (Hoài Nhơn). Con của cụ hy sinh ngoài mặt trận. Trong hoàn cảnh già cả neo đơn, công việc nhà không ai lo, các em thiếu nhi cứu quốc đã tổ chức đến gia đình giúp đỡ cho cụ. Sau đó, cụ đọc rồi nhờ người viết một bức thư gửi lên Bác Hồ. Trong thư có đoạn: “Mỗi khi các cháu đến làm giúp thì vợ chồng tôi rất cảm động và luôn nhớ tới ơn Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Chúng tôi xin nguyện tích cực thi hành mọi chủ trương chính sách của Chính phủ và Đảng Lao động để cuộc kháng chiến giành độc lập của nước nhà đi đến thành công…”.
HOÀI THU