Phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và doanh nghiệp ngoài nhà nước:
Nhận thức đúng, quyết tâm cao, cách làm phù hợp
Ngày 19.5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy Bình Ðịnh phối hợp tổ chức 2 hội thảo về công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian đến.
Chủ trì 2 hội thảo có các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Đăng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai (giữa), Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang (trái) và Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (phải) chủ trì hội thảo về công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 19.5.
Khi trường học là môi trường rèn luyện
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy Bình Định và các cấp ủy trong tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên (HSSV), đạt được một số kết quả quan trọng. Giai đoạn 2020 - 2022, toàn Đảng bộ tỉnh có 783 đảng viên kết nạp từ nguồn HSSV, xếp thứ 4 trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Giờ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 22.11.2021 về “Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên giai đoạn 2020 - 2025”, trong đó xác định những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế của tỉnh để thực hiện công tác phát triển đảng viên, nhất là trong HSSV. Tỉnh cũng tổ chức 2 hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đảng viên trong HSSV. Một số cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chủ động khảo sát nguồn, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phát triển đảng viên trong HSSV trên địa bàn.
Hội thảo phát triển đảng viên trong HSSV khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Một trong những điển hình báo cáo tại Hội thảo là Trường THPT Phan Đình Phùng (tỉnh Hà Tĩnh), kết nạp được 40 HS vào Đảng trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022; năm học 2022 - 2023 đang làm hồ sơ kết nạp cho 30 học sinh ưu tú. Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng Nguyễn Nam Thắng chia sẻ: Một trong những kinh nghiệm là Đảng bộ nhà trường xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên trong học sinh. Nghị quyết thể hiện quy trình chặt chẽ căn cứ theo Điều lệ Đảng; quy định nhiệm vụ của các tổ chức, đoàn thể trong bồi dưỡng quần chúng ưu tú từ khâu giới thiệu, tạo nguồn, theo dõi, giúp đỡ đến khi kết nạp theo phương châm đảm bảo về chất lượng, không chạy theo số lượng. Trường có CLB Đồng hành cùng thanh niên phấn đấu kết nạp Đảng, do phó bí thư đoàn trường phụ trách đã hoạt động hiệu quả, tập hợp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các HS (đã được tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng) để các em sớm được kết nạp.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 7.292 HSSV được kết nạp đảng; trong đó có 4.912 HS, 2.380 SV.
Trong giai đoạn trên, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 2.363 đảng viên mới kết nạp trong DN ngoài nhà nước. Trong đó, có 1.633 đảng viên trong công ty cổ phần; 413 đảng viên trong DN tư nhân; 286 đảng viên ở công ty trách nhiệm hữu hạn; 3 đảng viên ở công ty hợp danh; 28 đảng viên ở DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ tại Hội thảo, em Nguyễn Ngân Hà (SN 2003, quê Nghệ An; SV năm thứ hai Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng) cho biết được kết nạp Đảng từ khi còn là HS ở quê nhà, được chuyển sinh hoạt đảng chính thức tại Chi bộ SV Trường ĐH Kinh tế. “Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, nhà trường, tôi càng nhận thức rõ rằng, được đứng trong hàng ngũ Đảng thì HSSV sẽ có động lực phấn đấu, rèn luyện đạo đức, lối sống, nỗ lực học tập tốt hơn để trở thành công dân hữu ích cho quê hương, đất nước”, Hà chia sẻ.
Thế nhưng, có không ít trường hợp không được “suôn sẻ” như Hà. Nhiều đại biểu đề cập đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phát triển đảng trong HSSV. Trong đó, nổi bật là vướng mắc liên quan đến quy định HS “đủ 18 tuổi” mới được kết nạp; khâu theo dõi, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, chuyển sinh hoạt đảng giữa tổ chức đảng ở nhà trường và địa phương chưa chặt chẽ, sâu sát…
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu, tham mưu ban hành hướng dẫn cụ thể về phát triển đảng viên trong HSSV, nhất là học sinh THPT về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình; giải pháp kết nối hồ sơ của HSSV tiếp tục phấn đấu sau khi tốt nghiệp, tạo sự đồng bộ trong công tác phát triển đảng...
Nâng cao nhận thức là “chìa khóa”
Về phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước, theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang, trong những năm qua, công tác này đã được các cấp ủy quan tâm, chú trọng xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng nhận thức và kết nạp đối với những quần chúng ưu tú; số lượng và chất lượng đảng viên mới tăng liên tục qua các năm. Cơ cấu đảng viên mới có sự chuyển biến tích cực hơn; tỷ lệ đảng viên là chủ DN tư nhân ngày càng tăng.
Từ năm 2019 - 2021, Chi bộ Công ty TNHH Tân Phước (Bình Định) kết nạp được 6 đảng viên mới, dự kiến năm 2023 sẽ kết nạp thêm 1 đảng viên nữa, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên 16 đảng viên. Ông Phan Văn Phước - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty, khẳng định: Muốn nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong DN tư nhân, yếu tố nòng cốt là phải giác ngộ được đội ngũ chủ DN, cán bộ quản lý DN. Còn đối với cán bộ, người lao động thì phải tuyên truyền, giáo dục để có cảm tình với Đảng trước, sau đó họ sẽ nhận thức được mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ, niềm tự hào khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Ông Phan Văn Phước - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước (Bình Định) chia sẻ về công tác phát triển đảng viên tại đơn vị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Hợp lực Thanh Hóa, cho rằng nếu chủ DN là đảng viên, đặc biệt là bí thư chi bộ thì tổ chức cơ sở đảng đó sẽ hoạt động rất tích cực và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ hiệu quả.
“Các cấp ủy đảng phải gần gũi, gắn với các hiệp hội DN, từ đó có “kênh” để kết nối với các DN cũng như người đứng đầu DN để họ thấy được lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng trong đơn vị của mình. Đồng thời, các ngành chức năng cần có cơ chế chính sách ưu tiên cho các DN thành lập được tổ chức đảng trong đơn vị; tạo điều kiện cho tổ chức đảng vận hành linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Thành đề xuất.
Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên trong DN ngoài nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, số lượng đảng viên mới kết nạp còn ít so với nguồn hiện có. Việc phân công, theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú vào Đảng còn lúng túng, nhiều nơi thiếu quan tâm, không có tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, nên việc tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới gặp khó khăn. Khó khăn nhất hiện nay là nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có yếu tố liên quan đến nước ngoài chưa có tổ chức đảng, thậm chí có DN có đảng viên làm việc nhưng lại không dám công khai.
Cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trách nhiệm
Theo đồng chí Trương Thị Mai, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Hội thảo đã cho thấy những vấn đề hiện hữu trong công tác phát triển đảng viên ở DN ngoài nhà nước. Để tạo bước đột phá, phải chú trọng khắc phục nhanh những hạn chế; trong đó tập trung giải pháp để mỗi DN ngoài nhà nước thấy được lợi ích khi có tổ chức đảng trong DN.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực quan tâm hơn nữa đến phát triển đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước. “Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, vấn đề là tạo mọi điều kiện để DN phát triển, hòa chung vào dòng chảy của đất nước, của Đảng; mỗi công nhân phải thật sự thấy tự hào khi mình trở thành đảng viên, mỗi DN thấy được lợi ích khi có tổ chức đảng, có như vậy công tác phát triển đảng mới mang lại hiệu quả thiết thực nhất”, đồng chí nhấn mạnh.
Về phát triển đảng viên trong HSSV, đồng chí Trương Thị Mai nhìn nhận, để thực hiện tốt công tác này, vấn đề cốt lõi, quan trọng là sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, trách nhiệm của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến chi bộ. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, có đề xuất liên quan đến quy trình, thời điểm, độ tuổi kết nạp HSSV vào Đảng… để điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp thực tiễn, chọn được “điểm rơi” lúc HSSV sung sức, có hoài bão cao nhất.
“Nếu nhận thức đúng đắn, sâu sắc sẽ có quyết tâm; có quyết tâm sẽ có con đường; có con đường sẽ có kết quả tốt. Mong các đồng chí đồng lòng khắc phục hạn chế, thực hiện tốt hơn nữa phát triển đảng viên trong HSSV thời gian tới”, đồng chí Trương Thị Mai nói.
Năm 2024, dự kiến Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị 34/CT/TW ngày 30.5.1998 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18.3.2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Từ đó, tham mưu, đề xuất, kiến nghị để có các chỉ đạo mới phù hợp thực tiễn; tạo cơ sở để các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong HSSV và trong DN ngoài khu vực nhà nước.
NHÓM PHÓNG VIÊN XÂY DỰNG ĐẢNG