HLV trưởng đội tuyển Kun Bokator Việt Nam Lê Công Bút:
Tự hào góp phần làm rạng danh võ cổ truyền Việt Nam
Vừa cùng đội tuyển Kun Bokator Việt Nam thi đấu thành công ở SEA Games 32 trở về, nhưng khi trò chuyện với tôi, niềm hào hứng lớn nhất của Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Ðịnh Lê Công Bút lại là việc ông đã giới thiệu thành công tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam với bạn bè Ðông Nam Á.
Thành công hơn mong đợi
Tại SEA Games 32, đội tuyển Kun Bokator Việt Nam có 9 VĐV thi đấu nội dung đối kháng, giành được 6 HCV, 3 HCĐ, góp phần giúp đoàn Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn ở kỳ Đại hội thể thao trên đất Campuchia một cách thuyết phục.
Lãnh đạo Sở VH&TT, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định chào đón HLV Lê Công Bút cùng các học trò trở về sau thành công tại SEA Games 32. Ảnh: LÊ CƯỜNG
● Chúc mừng ông với vai trò HLV trưởng đội tuyển quốc gia, cùng đội tuyển có thời gian tập trung ngắn nhất, nhưng lại giành thành tích đầy ấn tượng…
- Xin cảm ơn anh, thú thật đến giờ này tôi vẫn chưa hết cảm giác sung sướng vì đã làm được điều chính mình cũng không ngờ tới. Trước khi lên đường dự SEA Games 32, trưởng đoàn thể thao Việt Nam cũng như các lãnh đạo khác giao chỉ tiêu cho chúng tôi giành từ 1 - 2 HCV. Ngay cả khi chúng ta có 6 VĐV lọt vào chung kết thì chỉ tiêu này vẫn không thay đổi, bản thân tôi cũng nghĩ các em giành được 2 - 3 HCV đã là thành công, nhưng không ngờ cả 6 em đều thắng.
● Từng giành được 3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ ở Giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á năm 2023 hồi đầu tháng 4, sao ông đặt ra những chỉ tiêu khiêm tốn như vậy?
- Ở giải vô địch Đông Nam Á, nhiều võ sĩ Việt Nam bị xử ép trắng trợn, điều này làm không ít người suy nghĩ nước chủ nhà tập trung mục tiêu huy chương vào những môn mà họ có lợi thế. Hơn nữa, ở SEA Games 32 có sự xuất hiện của những VĐV Thái Lan, Philippines có những sở trường riêng, không dễ dàng khi đối đầu với họ.
HLV Lê Công Bút (giữa) cùng các học trò Trần Võ Song Thương (bên trái) và Nguyễn Thị Thanh Tiền (bên phải) sau khi kết thúc giải Kun Bokator tại SEA Games 32. Ảnh: NVCC
● Bên cạnh yêu cầu thi đấu đạt thành tích tốt, đội tuyển Kun Bokator còn được giao nhiệm vụ quảng bá võ cổ truyền Việt Nam đến với bạn bè trong khu vực Đông Nam Á…
- Trên thực tế, việc tham gia thi đấu cũng chính là cách giới thiệu tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam với các đoàn bạn bằng những lối đánh cụ thể. Trong sinh hoạt, tôi cũng yêu cầu các em thể hiện sự thân thiện, khiêm tốn, hòa nhã đúng với tinh thần con nhà võ, đó chính là tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam.
Vượt qua áp lực
Chỉ có 2 tháng làm việc với một ê kíp hoàn toàn mới, thực hiện công việc với nội dung khá xa lạ, HLV Lê Công Bút phải dành toàn bộ thời gian cho nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia. Với ông, áp lực trong quãng thời gian này là cực lớn.
● Ông đã làm những gì để giúp học trò thi đấu thành công với nhiều lối đánh khác nhau tại SEA Games 32?
- Ngay sau khi được giao nhiệm vụ làm HLV trưởng đội tuyển Kun Bokator Việt Nam, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về môn võ này, cả về luật thi đấu, cách tính điểm và những đòn cấm. Giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á năm 2023 chính là dịp để tôi tìm hiểu kỹ hơn thông qua các trận đấu chính thức. Khi đã nắm kỹ về chuyên môn, tôi yêu cầu học trò 2 việc chính: Gặp võ sĩ Campuchia phải đánh thuyết phục, thắng cách biệt để tránh bị xử ép, còn với các võ sĩ mạnh về thể lực của Thái Lan, Philippines phải di chuyển thật linh hoạt, chọn thời cơ để ra đòn chính xác lấy điểm.
Trước mỗi trận đấu tôi luôn nghiên cứu kỹ từng đối thủ để chỉ cho học trò mình dùng đòn phù hợp để khắc chế đối phương. Rất vui là các em đều đã thực hiện tốt chiến thuật mà tôi đưa ra.
● Chỉ có 2 tháng để chuẩn bị cho chiến dịch quan trọng như SEA Games có phải là áp lực lớn với ông?
- Đúng vậy anh ạ, tôi chưa bao giờ cảm thấy áp lực như quãng thời gian vừa qua. Vì đây là môn võ chúng ta mới tiếp cận, nên ngay cả các thành viên trong ban huấn luyện cũng chưa thống nhất về giáo án tập luyện. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng tập luyện, thi đấu và huấn luyện nội dung đối kháng võ cổ truyền cũng như tán thủ (wushu), tôi tự tin mình sẽ vận dụng được đòn đánh sở trường của 2 môn này cho các học trò.
Có một điều thuận lợi là tôi hiểu rõ sở trường của từng em thông qua các giải đấu, các VĐV cũng từng thi đấu và giành thành tích cao ở nhiều giải, do đó, tôi cố gắng phát huy tối đa những sở trường đó, chứ thời gian quá ngắn, không đủ để các em thuần thục những đòn mới.
● Trong số 9 VĐV chính thức của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tham gia nội dung đối kháng có 2 võ sĩ Bình Định là Trần Võ Song Thương và Nguyễn Thị Thanh Tiền, ông “cân đối” thế nào để không bị mang tiếng ưu tiên “học trò ruột”?
- Đây cũng là vấn đề khiến tôi luôn lưu tâm, vì nếu cư xử không khéo sẽ gây những luồng dư luận không tốt trong nội bộ đội tuyển. Vì vậy, tôi luôn yêu cầu Song Thương và Thanh Tiền làm gương trong cả tập luyện lẫn sinh hoạt và các em đều đã thực hiện tốt. Riêng với Thanh Tiền, trong quá trình tập luyện dính chấn thương ở khớp vai, đã có ý kiến đưa VĐV khác thay thế nhưng tôi vẫn đặt niềm tin ở em và cuối cùng cũng nhận được thành quả xứng đáng. Khi Tiền giành HCV, tôi thở phào vì quyết định của mình đã được chứng minh bằng kết quả hết sức khách quan.
HLV Lê Công Bút (hàng đứng, thứ tư từ phải sang) cùng đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: NVCC
Tiếp tục xây dựng lứa kế thừa
Trong hơn 30 năm qua, nhiều VĐV Bình Định xuất thân từ võ cổ truyền thành danh trên đấu trường quốc tế, điều đó khẳng định tố chất người Bình Định với các môn võ, đây là điều cần phát huy…
● Cảm xúc của ông khi là VĐV Bình Định đầu tiên giành HCV SEA Games năm 2003 nội dung tán thủ môn wushu và lần này là HLV dẫn dắt các học trò giành 6 HCV, 3 HCĐ ở môn Kun Bokator SEA Games năm 2023 có gì khác nhau?
- Cảm xúc thì có phần giống nhau, vì cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhưng quá trình chuẩn bị cũng như vai trò của mình thì khác nhau hoàn toàn. Khi đó, tôi đã trải qua quá trình tập luyện, thi đấu và cả tập huấn tại Trung Quốc trong quãng thời gian dài. Nhưng đối thủ ở bán kết và chung kết của tôi là các võ sĩ từng giành HCB, HCV thế giới nên không hề dễ dàng.
Còn ở kỳ SEA Games này, mọi thứ chỉ gói gọn trong vòng 2 tháng, với tất cả đều hoàn toàn mới mẻ. Nhưng cũng chính quá trình tập huấn với các chuyên gia trước đây, tôi học hỏi được rất nhiều và áp dụng hiệu quả trong chương trình huấn luyện của mình ở SEA Games 32.
● Trở lại với vai trò quen thuộc là Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, kế hoạch của cá nhân ông trong thời gian tới là gì?
- Nhiều năm qua, các thế hệ HLV, VĐV Bình Định giành được nhiều huy chương ở sân chơi khu vực với những môn võ khác nhau. Điều đó chứng minh thế mạnh của chúng ta là ở các môn võ. Do đó, tôi cùng các cán bộ, HLV của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định phải nỗ lực để phát huy hơn nữa trong công tác tuyển chọn, đào tạo huấn luyện, nhằm giới thiệu những VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia ở những sân chơi lớn những năm tiếp theo.
● Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Võ sư Lê Công Bút (SN 1977) - Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Quê quán: Phước Thắng, Tuy Phước.
HCV SEA Games 22 năm 2003 hạng cân 48 kg nam đối kháng môn wushu.
HCV Đại hội Thể thao toàn quốc các năm 2002 và 2006 hạng cân 48 kg nam đối kháng môn wushu.
HLV trưởng đội tuyển Kun Bokator Việt Nam giành 6 HCV, 3 HCĐ tại SEA Games 32 năm 2023.
LÊ CƯỜNG (thực hiện)