Thẳm sâu tình mẹ
Dù mang bệnh nặng hay khiếm khuyết cơ thể, người mẹ vẫn không khi nào thôi lo lắng cho con. Ðối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, họ ngày càng kiên cường, gắng sức chu toàn nhất có thể vì gia đình nhỏ. Nói cách khác, mẹ có thể không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.
Đương đầu với số phận
Ngay từ khi hiểu được thiệt thòi của bản thân khi không may bị tật ở chân sau cơn sốt năm 2 tuổi, bà Trương Thị Thơm (ở xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) đã sống thu mình trong nỗi tự ti. Thế rồi, cuộc đời vun vén cho bà gặp người chồng cùng cảnh ngộ, sinh được người con gái khỏe mạnh, hiếu thảo.
Tưởng chừng hạnh phúc ở trong tầm tay thì năm 2018, chồng bà đột nhiên bị tai biến, động kinh, nằm 1 chỗ. Bà Thơm nén cú sốc tinh thần, cố giữ bình tĩnh để kiếm tiền, lo chữa bệnh cho chồng. Hơn hết, bà không cho phép mình gục ngã bởi đứa con đang tuổi ăn học chỉ còn mẹ là chỗ dựa.
“Ngày còn khỏe mạnh, chồng phụ tôi đôi ba việc, đồng ra đồng vào cũng đủ xoay sở. Giờ thì tôi vay vốn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm ruộng; tranh thủ thêm thời gian đi nhặt ve chai để có thêm chi phí chăm chồng, nuôi con. Tôi không muốn con vừa thiệt thòi vì có cha mẹ không lành lặn, vừa phải nghỉ học giữa chừng”, bà Thơm tâm sự.
Vậy là người mẹ với cơ thể khiếm khuyết hết quần quật với đồng áng đến ngược xuôi khắp xã để nhặt nhạnh từng chiếc lon nhôm, bìa giấy. Rồi tất tả về nhà, lo cơm nước để con kịp giờ lên lớp. Cơ thể mảnh khảnh nén những cơn đau dai dẳng bởi nhiều thứ bệnh cứ thế lam lũ, hết năm này sang năm khác. Bởi với bà, không gì quan trọng bằng con gái.
Khác với bà Thơm, bà Thái Thị Lệ Thu (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) hơn 14 năm nay bị căn bệnh viêm tủy hành hạ. Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, đảm đang, bà Thu ngã bệnh và có khoảng thời gian dài nằm qua nhiều bệnh viện.
Bà Thu cố gắng dành nhiều thời gian để lắng nghe con gái tâm sự. Ảnh: D.L
“Khi con gái nhỏ vừa hơn 1 tuổi, tôi ngã bệnh và liệt nửa thân dưới. Nghĩ đến con còn quá nhỏ, cần có sự chăm sóc của mẹ, tôi cố gắng điều trị, phục hồi chức năng. Sau đó, tôi dần vận động được nhưng không thể đứng quá lâu. Di chứng ấy kéo dài đến hiện tại, khiến tôi không thể làm được những việc nặng nhọc”, bà Thu tâm sự.
Không lùi bước trước bệnh tật, bà Thu tìm cách mưu sinh, tập dần những việc nấu nướng ở nhà. Với bà, dẫu phải sống chung với những cơn đau, nhưng vẫn hạnh phúc lắm khi được sống cạnh chồng con.
Làm tất cả vì con
Khó khăn không làm những người mẹ lùi bước. Trái lại, họ xem đó là động lực để phấn đấu với suy nghĩ “sợ con cái thiệt thòi”.
Thức dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị cho quán nhỏ bán các món ăn vặt cho học sinh, bà Thu cảm thấy vui vì không trở thành gánh nặng của gia đình. Nhờ sự khéo tay, chăm chỉ, từ 10 - 18 giờ hằng ngày, quán ăn của bà có lượng khách ổn định. Đây là thu nhập chính của gia đình, cũng là “chiếc gánh” chở ước mơ của cô con gái đang học lớp 10.
Bà Thu kể: “Con gái tôi có năng khiếu vẽ từ nhỏ và khao khát theo nghề kiến trúc. Do đó, tôi luôn cố gắng để lo chi phí đầu tư cho con. Điều làm tôi tự hào và cũng xót xa nhất là con đã biết đi làm thêm phụ giúp cha mẹ khi đang trong độ tuổi chỉ cần lo chuyện học hành. Bởi vậy, dù có hôm trở trời khiến lưng tôi đau nhói, nhưng nghĩ đến con, tôi lại có thêm động lực làm việc”.
Những người mẹ luôn cố gắng chèo lái mái ấm nhỏ để con cái yên tâm học hành, phấn đấu. Vì là hộ nghèo, không đủ tiền cho con học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT, bà Thơm đã vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để con gái tiếp tục nuôi ước mơ làm giáo viên mầm non.
Bà Thơm trải lòng: “Con gái tôi học tốt, thường được học bổng nên chủ động phụ bớt chi phí cho mẹ. Con trưởng thành và hiểu chuyện, bấy nhiêu cũng đủ làm tôi cảm thấy được an ủi. Tôi chỉ tiếc rằng mình không cho con cuộc sống đủ đầy như bè bạn”.
Chị Phụng và con gái nhỏ thường xuyên được Hội LHPN xã quan tâm, giúp đỡ. Ảnh: D.L
Đó cũng là tâm sự chung của những người mẹ mang trong mình những tự ti, mặc cảm. Chị Lê Thị Phụng (ở xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) mắc bệnh tim từ khi còn nhỏ, phải thường xuyên đi Huế điều trị. Ngoài thời gian ấy, ai thuê gì, chị làm nấy để dành dụm chi phí nuôi con. Chồng chị là người khuyết tật, không thể làm việc hay phụ vợ dạy con bởi anh nói khó khăn, đi lại hạn chế. Vợ chồng nghèo có 2 con còn nhỏ, luôn thường trực nỗi lo không biết tương lai con sẽ ra sao.
“Con hồn nhiên, không bao giờ đòi hỏi mà chỉ lo lắng khi thấy mẹ đau bệnh. Tôi chỉ mong ước mình đủ khỏe mạnh để lo cho con được sống vui khỏe, vô tư”, chị Phụng tâm sự.
DƯƠNG LINH