An Lão khắc phục tồn tại về chăm sóc sức khỏe sinh sản:
Nhận diện nguyên nhân, tích cực khắc phục
Nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và hạn chế tình trạng sinh tại nhà không có nhân viên y tế đỡ, huyện An Lão đã khẩn trương nhận diện những nguyên nhân, tích cực triển khai các giải pháp khắc phục.
Một trong những tồn tại lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các huyện miền núi tỉnh ta là tỷ lệ sinh đẻ tại nhà không có nhân viên y tế theo dõi, hỗ trợ còn khá cao. Hiện tượng này khiến nếu xảy ra các tai biến sản khoa sẽ dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của bà mẹ và bé sơ sinh vì không có người đủ chuyên môn xử lý kịp thời.
Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, huyện An Lão là địa phương có tỷ lệ sinh đẻ tại nhà không có nhân viên y tế đỡ cao. Theo ông Trương Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc TTYT huyện An Lão, tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của huyện hiện khoảng 7.100 người, trong số này được quản lý sinh có 326 người. Mạng lưới nhân viên y tế về chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình tuy có đủ nhưng phải trải rộng trên khắp địa bàn nên khó quán xuyến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thời gian qua tỷ lệ sinh đẻ tại nhà của huyện An Lão còn cao, cụ thể là năm 2022 có tới 15 trường hợp.
Lý giải sâu hơn về nguyên nhân tình trạng này, ông Trương Ngọc Hưởng cho biết: Thứ nhất là do tập tục cúng bái. Thứ hai là do nhận thức. Khi đến khám thai ở TTYT, nhân viên y tế rất nhiều lần nhắc nhở, thông báo ngày dự sinh. Tiếp đó, nhân viên y tế ở các xã vẫn tiếp tục thông báo nhưng vẫn không nhớ. Đến ngày dự sinh, nhân viên y tế thôn hoặc cô đỡ đến nhà nhắc nhở thì họ lại đang ở ngoài rẫy; đến lúc chuyển dạ không kịp trở tay.
Sinh con lần thứ 3, chị Đinh Thị Cam mới đến cơ sở y tế. Ảnh: T. KHUY
Trước tình hình đó, ngành Y tế huyện An Lão đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền vận động. Chị Lê Thị Bích Vân, chuyên trách sức khỏe sinh sản -kế hoạch hóa gia đình, Trạm Y tế xã An Trung, chia sẻ: Phối hợp với nhân viên y tế thôn, chúng tôi nắm được danh sách phụ nữ có thai trên địa bàn và nhắc nhở họ đi khám thai định kỳ. Về chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trạm Y tế có thực hiện khám thai (nghe tim thai) và khám phụ khoa. Qua đó, chúng tôi nhắc nhở phụ nữ trẻ, thai phụ đi thực hiện sàng lọc trước sinh ở thời gian quy định và nhớ ngày dự sinh để đến cơ sở y tế. Để không còn trường hợp sinh tại nhà, chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền, vận động và phải đi nhiều lần mới gặp được họ. Nhờ đó, xã chúng tôi đã không còn trường hợp sinh con tại nhà không có nhân viên y tế hỗ trợ.
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, huyện An Lão không ghi nhận trường hợp sinh tại nhà không có nhân viên y tế hỗ trợ. Chị Đinh Thị Cam, ở xã An Toàn, chia sẻ: Tôi vừa được các bác sĩ giúp đỡ sinh bé thứ 3 “mẹ tròn con vuông”. Hai bé trước tôi sinh tại nhà. Nhờ khi đi khám thai được nhắc nhở và biết được sự nguy hiểm khi sinh con tại nhà nên lần này tôi sinh con tại TTYT, bé cũng được sàng lọc trước sinh.
Ông Trương Ngọc Hưởng cho biết thêm: Hiểu được tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi không bác bỏ việc người dân cúng bái theo tín ngưỡng, nhưng phải đưa đi bệnh viện khi mắc bất cứ bệnh gì chứ không riêng gì sinh sản. Vừa rồi, chúng tôi cũng họp trực báo với UBND huyện để trình bày, báo cáo về vấn đề khó khăn, đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cũng như đoàn thể vận động người dân.
Những năm gần đây, huyện An Lão quan tâm nhiều đến vấn đề sàng lọc trước sinh, sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số. Việc này cũng giúp ngành y tế ghi nhận được nhiều trường hợp sinh tại nhà không có nhân viên y tế hỗ trợ.
Chị Hoàng Thị Mỹ Lê, cử nhân điều dưỡng Khoa Ngoại Chăm sóc sức khỏe sinh sản, TTYT huyện An Lão, cho biết thêm: Trước kia, chương trình sàng lọc nâng cao chất lượng dân số chỉ được thực hiện cho trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện tại, với Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, người dân ở 8 xã thuộc khu vực 3 đều được thực hiện sàng lọc miễn phí. Vấn đề còn lại là truyền thông cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tác dụng của chương trình. Tuy nhiên, vì An Lão là huyện nghèo nên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một ví dụ, khi sàng lọc kết quả là có yếu tố nguy cơ nhưng do nghèo, người dân thường không có tiền ra Huế khám, sàng lọc chẩn đoán sâu hơn để có kết luận, xác định hướng xử lý chính xác. Do vậy, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm chương trình đồng hành, giúp đỡ những thai phụ này đến bước cuối cùng, vì nếu không sản phụ vẫn quyết định sinh và như thế ý nghĩa cũng như tác động của việc sàng lọc giảm đi nhiều.
T. KHUY