Các biện pháp phòng bệnh dại
Vào mùa hè thời tiết nắng nóng cũng chính là mùa bùng phát dịch bệnh dại mạnh nhất. Bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua niêm mạc) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương gây tổn thương thần kinh trung ương.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, khi bị động vật cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị động vật cào, cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 45 - 70% hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Chỉ có tiêm phòng mới có thể ngăn ngừa không bị bệnh dại, giảm thiểu tổn thương, hạn chế hậu quả khi vô tình để vật nuôi cào cắn… Khi bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, bệnh nhân cần được tiêm vắc xin phòng dại sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Tiêm vắc xin dại là biện pháp duy nhất để phòng bệnh có hiệu quả nhất. Trong vòng 6 tháng sau tiêm vắc xin ta không nên sử dụng bất kỳ các loại đồ uống có cồn như rượu, bia... đặc biệt có một số thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành kháng thể kháng vi rút dại của cơ thể, do đó trong thời gian này khi đi khám chữa bệnh cần báo cho bác sĩ biết việc mình đang tiêm phòng dại.
Để phòng bệnh dại, đối với vật nuôi tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo phải xích, nhốt; nếu chó ra đường phải được rọ mõm. Đồng thời, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi rút dại vì các em thường thích vui chơi, vuốt ve các loại động vật (như chó, mèo,…) và khi bị các loại động vật này tấn công cũng chưa đủ khả năng phản kháng, dễ bị cắn, cào…
Do vậy, dạy trẻ tránh tiếp xúc với các con vật đi lạc hoặc động vật hoang dã. Khuyên bảo trẻ không đùa nghịch, trêu chọc hay làm phiền các con vật và không nên lại gần các xác động vật chết. Bản thân cha mẹ hãy hạn chế sự xâm nhập của các con vật lạ vào trong nhà bằng cách luôn đóng cửa cẩn thận.
THU PHƯƠNG
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)