Khoa học công nghệ tạo nền tảng cho sản xuất phát triển
Thời gian qua, ngành Công Thương có nhiều hoạt động “trợ lực” để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh cho từng đơn vị.
Đầu tiên phải kể đến việc áp dụng công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, cải thiện công suất hoạt động ở các DN, HTX... Chính sách hỗ trợ nguồn vốn từ các chương trình, đề án khuyến công của ngành Công Thương thời gian qua đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị có thêm cơ hội xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Dây chuyền xay xát gạo tiên tiến của Công ty TNHH Bùi Minh Long. Ảnh: T.LỢI
Công ty TNHH Bùi Minh Long, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, hoạt động xay xát gạo và sản xuất bột thô, là một trong những đơn vị tranh thủ, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ đề án khuyến công để mua sắm, trang bị máy móc hiện đại để khai thác tối đa hiệu quả trong sản xuất.
Ông Bùi Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Bùi Minh Long, chia sẻ: Năm 2020, từ việc được chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng, công ty đã đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng để đầu tư, lắp đặt thêm máy tách màu, máy phân loại màu hạt gạo, góp phần hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền xay xát. Sau khi đưa vào hoạt động, công suất sản xuất của nhà máy tăng gấp 3 lần so với trước đây, hiện nay bình quân một tháng nhà máy sản xuất hơn 400 tấn gạo, có tháng đạt 600 - 700 tấn gạo. Việc mạnh dạn đầu tư và ứng dụng công nghệ máy móc tiên tiến đã giúp nhà máy tiết kiệm được nhiều chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường, khách hàng; tạo việc làm ổn định cho 11 lao động.
Năm 2023, kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở, DN thực hiện đề án khuyến công khoảng 7 tỷ đồng; đến thời điểm này, đã phê duyệt khoảng 3,7 tỷ đồng/23 đề án. Trong số 23 đề án thì có 11 đề án đã nghiệm thu, dự kiến hoàn thành 100% kinh phí được giao trước tháng 10.2023. Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hoạt động khuyến công đã tạo điều kiện cho các cơ sở, DN tiếp cận được nguồn vốn để mạnh dạn đầu tư mới máy móc thiết bị, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường… Từ đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm thiểu phát thải nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử hằng năm cho cán bộ quản lý nhà nước và DN trong tỉnh của ngành Công Thương cũng mang lại nhiều hiệu quả. Đó là những kiến thức cơ bản về xu hướng và cơ hội kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử; cách thức tiếp cận và xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến cho DN vừa và nhỏ; xây dựng, vận hành kênh bán hàng qua website, mạng xã hội... Kế đến, là hoạt động hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng website bán hàng, áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Ngoài ra, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiệu quả cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng; xây dựng, thực hiện các đề án, quy chế phối hợp về tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN cho sản phẩm OCOP phát triển thành hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, khả năng cạnh tranh hàng hóa trong thị trường cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử, trong năm 2022, ngành Công Thương xây dựng, đưa website bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt (bandohangvietbinhdinh.vn) trên địa bàn tỉnh vào vận hành. Website này nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt của DN, người dân; đồng thời giúp DN dễ dàng tìm kiếm những vị trí, địa điểm phù hợp trong chuỗi kinh doanh cửa hàng tiếp theo và đánh giá sức mua, cơ hội bán hàng.
Ông Võ Mai Hưng cho biết thêm: Thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành ứng dụng phổ biến trong giao thương. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong quảng bá, tiếp thị và tăng doanh số bán hàng phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Năm 2022, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ gần 160 triệu đồng, Công ty TNHH Dulah, ở xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân), chuyên sản xuất các dòng sản phẩm trà nụ hoa hòe nguyên búp, trà hoa hòe túi lọc đã có thêm điều kiện để đầu tư, mua máy đóng gói 5 trong 1. Đây là thiết bị chủ đạo giúp công ty sản xuất nhiều sản phẩm và góp phần hoàn thiện dây chuyền sản xuất hiện có. Hiện nay, mỗi tháng công ty sản xuất từ 5.000 - 7.000 hộp trà túi lọc, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
TRỌNG LỢI