Có giải pháp thiết thực hơn để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
(BĐ) - Ngày 24.5, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của một số DN: Tổng Công ty đầu tư phát triển khu công nghiệp Phúc Lộc - đơn vị đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định (Khu công nghiệp Hòa Hội), Công ty CP May An Nhơn (phường Bình Định, TX An Nhơn) và Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn). Cùng đi có đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại các DN, Đoàn công tác của tỉnh lắng nghe báo cáo hoạt động sản xuất, kinh doanh, các khó khăn, vướng mắc của từng DN hiện nay.
Theo Tổng Công ty đầu tư phát triển khu công nghiệp Phúc Lộc, đến nay, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Hội đã triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật như san nền, đường giao thông, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh…, với khối lượng thực hiện hơn 60%. Hiện, Khu công nghiệp đã thu hút được 2 DN vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (người đứng) phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty CP - Tổng Công ty đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc, đơn vị chủ đầu tư hạ tầng Khu Công nghiệp Hòa Hội. Ảnh: N. HÂN
Đối với Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long Bình Định, từ cuối năm 2022 đến nay đã đi vào hoạt động ổn định. Quy mô công suất nhà máy là 200 nghìn tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm ổn định cho 170 lao động. Doanh thu quý I/2023 đạt gần 200 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách hơn 500 triệu đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (hàng đầu, đầu tiên bên phải) kiểm tra tình hình sản xuất tại Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hải Long tại Khu công nghiệp Hòa Hội. Ảnh: N. HÂN
Tại buổi làm việc, lãnh đạo nhà máy kiến nghị lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và chủ đầu tư khu công nghiệp sớm hoàn thiện hạ tầng để tạo điều kiện nhà máy hoạt động tốt hơn. DN cũng bày tỏ mong muốn tỉnh tạo điều kiện giao đất tại khu công nghiệp để xây dựng nhà máy ấp nở con giống, mở rộng chuỗi ngành sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi tại Bình Định.
Đối với Công ty CP May An Nhơn, hiện có quy mô công suất 100 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 1.000 lao động, với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của ngành may mặc, Công ty đang đối diện với tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm sút. Công ty kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho công nhân, xem xét giảm lãi suất cho vay để DN giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh giá gia công hàng xuất khẩu, đồng thời đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (người đứng) phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty CP May An Nhơn (phường Bình Định, TX An Nhơn). Ảnh: N. HÂN
Đối với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, một trong những DN chế biến gỗ lớn của tỉnh, với quy mô 3 nhà máy, tạo việc làm cho 530 lao động, nhưng từ đầu năm đến nay giảm sút nghiêm trọng số đơn hàng sản xuất, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị và tạo việc làm cho công nhân.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (người đứng) phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt. Ảnh: N. HÂN
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, ngành gỗ Bình Định đang đứng trước những khó khăn cực kỳ lớn. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh 5 tháng đầu năm nay chỉ ước đạt 174,7 triệu USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ. Các DN xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh thời gian qua không có đơn hàng mới, lượng hàng tồn kho tại các DN rất lớn, dẫn đến việc nhiều DN cắt giảm số lượng lớn lao động. Dự báo trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu đồ gỗ vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ với khó khăn mà các DN đang gặp phải, động viên các DN tiếp tục nỗ lực, có giải pháp khả thi để phục hồi, phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan tiếp tục theo dõi sát sao tình hình, tổng hợp kịp thời các đề xuất, kiến nghị của DN để báo cáo lãnh đạo tỉnh, Chính phủ tháo gỡ. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đào tạo lực lượng lao động, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi...
Nguồn: BTV
Đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành: LĐ-TB&XH, BHXH, Ngân hàng có những giải pháp cụ thể và thiết thực hơn để đồng hành, chia sẻ với các khó khăn của các DN, đặc biệt là ngành gỗ.
NGUYỄN HÂN