Thêm thu nhập khá nhờ nấm keo khô
Gần một tuần trở lại đây, hàng chục hộ dân ở thôn Trung Hội và Lạc Sơn (xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) rộn ràng rủ nhau lên tận các khu vực núi rừng ở huyện An Lão để hái nấm keo. Do thời tiết nắng gắt khiến nấm mọc và nở to rất nhanh, nên bà con không bán nấm tươi mà tập trung hái nấm, đem phơi khô mới bán. Mùa nấm keo kéo dài 7 - 10 ngày nhưng cho thu nhập rất khá, những người siêng năng có thể thu được cả chục triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thế Tiền, ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh sơ chế nấm. Ảnh: GIA BẢO
Chị Nguyễn Thị Thế Tiền, ở thôn Trung Hội, xã Mỹ Trinh cho biết: Hằng năm, chúng tôi thường canh thời tiết để dự đoán thời điểm nấm keo mọc, thường là một vài ngày sau những cơn mưa. Khi được người quen trên An Lão báo lại đã có mưa thì cả làng chúng tôi rủ nhau theo từng nhóm để đi nhổ nấm cho khỏi lạc. Thức giấc tầm 2 giờ sáng, nấu cơm nước mang theo để ăn, đến khoảng 4 giờ là xuất phát, chừng 6 giờ là đến các vùng núi ở An Lão để nhổ. Ròng rã như thế đến cỡ 19 - 20 giờ là quay về nhà. Sau đó nấm sẽ được rải ra các phên để phơi. Đến mùa là cả vợ chồng tôi cùng đi nhổ, cứ hơn 100 kg nấm keo tươi, phơi khô sẽ còn khoảng 10 kg, bán được 300 nghìn - 350 nghìn đồng/kg nấm khô.
Gần đó, chị Võ Thị Diệu Hiền đang trải nấm vừa nhổ ra phên, vui vẻ kể: Những ngày này trong đầu không có gì ngoài nấm keo hết. Khoảng 5 ngày nay, ngày nào nhà tôi cũng lái xe máy hàng trăm cây số để lên tận An Lão để nhổ nấm keo. Đi hái rất vất vả nhưng thu nhập khá nên cũng ham, chúng tôi nhổ nấm từ núi này đến núi nọ. Bên cạnh lượng nấm tự nhổ được, tôi còn mua gom thêm nấm của bà con địa phương để về sơ chế, phơi bán kiếm thêm. Mấy năm gần đây nấm keo khô Bình Định được thị trường TP Hồ Chí Minh hút hàng nên mình yên tâm, không lo gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ.
GIA BẢO