Sử dụng súng trái phép - mối nguy tiềm ẩn
Pháp luật nghiêm cấm mọi cá nhân có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng trái phép. Song vẫn có một số người dân bất chấp tàng trữ, sử dụng súng để săn bắt động vật, nguy hiểm hơn là để giải quyết mâu thuẫn.
Mới đây, anh T.H.H. (SN 1991, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) đã bị UBND huyện Tuy Phước xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì hành vi “sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép”, quy định tại khoản 3, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC&CNCH; phòng, chống bạo lực gia đình). Đồng thời, khẩu súng hơi và đạn cũng bị tịch thu theo quy định. “Tình cờ có người quen giới thiệu nên tôi đã mua lại khẩu súng này để thi thoảng đi săn chim. Tôi lấy làm tiếc vì việc làm sai trái này của mình”, anh H. chia sẻ.
Không chỉ sử dụng súng để đi săn, trong quá trình truy bắt và kiểm tra tang vật của tội phạm, cơ quan chức năng cũng thu giữ nhiều súng, vũ khí. Như trường hợp của bị can Đinh Thanh Thảo (SN 1995, ở huyện Phù Mỹ) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, tại thời điểm bắt quả tang Thảo đang đi giao ma túy, ngoài việc thu giữ số lượng lớn ma túy trong người và cất giấu trong nhà, cơ quan CA còn thu giữ thêm 1 khẩu súng có hình dạng súng rulo cùng 22 viên đạn.
CA thu giữ súng của bị can Đinh Thanh Thảo (SN 1995, ở huyện Phù Mỹ) phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Ảnh: CA tỉnh
Nguy hiểm hơn, gần đây nhiều đối tượng, nhất là thanh thiếu niên còn sử dụng súng để giải quyết mâu thuẫn. Tại hiện trường vụ hỗn chiến xảy ra vào lúc 23 giờ ngày 21.5 tại đường Hoàng Văn Thụ (phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), cơ quan chức năng thu giữ 5 vỏ đạn, 1 đầu đạn; hậu quả của vụ hỗn chiến này khiến 1 người bị thương. Hay trước đó, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng - Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn), các đối tượng cũng sử dụng súng bắn nhau giải quyết mâu thuẫn… Thực tế này cho thấy việc tàng trữ, sử dụng súng, công cụ hỗ trợ trái phép trong một bộ phận người dân rất nguy hiểm.
Theo đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh, CA toàn tỉnh đã và đang tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, lãnh đạo CA tỉnh chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như các chế tài xử lý có liên quan.
“Trọng tâm là phổ biến phương thức, thủ đoạn mới, tác hại và kết quả công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của lực lượng chức năng gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân biết, chủ động phòng ngừa. Ngoài ra, CA tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, CA các đơn vị, địa phương bám sát, rà soát, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về vũ khí, vật liệu nổ để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả”, đại tá Nam nói.
Điều 304, Bộ luật Hình sự quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù 1 - 7 năm. Nếu làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên; vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn; thì có thể bị phạt tù 15 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1 - 5 năm.
KIỀU ANH