Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Ðịnh 2023: Cơ hội để hiểu thêm về khoa học không gian, vũ trụ
Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Ðịnh 2023 sẽ thu hút hàng nghìn đại biểu, học sinh, sinh viên và công chúng yêu thích khoa học không gian, vũ trụ tham gia. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm Khám phá Khoa học và Ðổi mới sáng tạo, về sự kiện thú vị này.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà.
Ảnh: T.LỢI
Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định 2023 (NASA SPACE WEEK - NASA STEM DAY) là sự kiện nhằm tìm hiểu các tiến bộ về KH&CN của NASA (Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) và cuộc sống trên không gian, vũ trụ thông qua câu chuyện của phi hành gia; chia sẻ những nghiên cứu khoa học bảo vệ trái đất, tránh ô nhiễm môi trường, cảnh báo rủi ro va chạm với các hành tinh khác và sự sống ngoài trái đất; truyền cảm hứng và thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học, khám phá thế giới của thanh, thiếu niên; định hướng nghề nghiệp, thúc đẩy tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục STEM…
CƠ HỘI ĐỂ BẠN TRẺ TRÒ CHUYỆN VỚI PHI HÀNH GIA
* Vì sao Bình Định được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ NASA Việt Nam 2023, thưa ông?
- Ngoài sự hỗ trợ tích cực của Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo Bình Định đang được xem là điểm đến hấp dẫn, độc đáo của công chúng yêu thích khám phá khoa học, trong đó có khoa học thiên văn là yếu tố căn bản đã thuyết phục được NASA lựa chọn Việt Nam, lựa chọn Bình Định để tổ chức sự kiện này. Hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có ở Trung tâm cũng đủ điều kiện thỏa mãn những yêu cầu khá nghiêm ngặt của NASA.
* Có lẽ sẽ có nhiều hoạt động thú vị diễn ra trong Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định 2023…
- Tôi nghĩ đúng như vậy! Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 - 9.6, với nhiều hoạt động, như: Giao lưu, trò chuyện với phi hành gia (trong đó, có 1 phi hành gia đã 4 lần bay vào vũ trụ, 1 người là bác sĩ phẫu thuật và là bác sĩ gia đình của NASA với 2 lần bay vào vũ trụ), cùng chương trình NASA STEM DAY, khám phá bầu trời đầy sao - Starry Night. Tại đây, học sinh, sinh viên, người yêu khoa học có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với các phi hành gia để hiểu rõ hơn về cuộc sống, nhiệm vụ trong vũ trụ. Bên cạnh đó, còn có sự tham dự của một số chuyên gia Việt Nam am hiểu về vật lý thiên văn, khoa học vũ trụ, hứa hẹn đem đến nhiều bất ngờ thú vị cho công chúng. Đó là chưa kể, cuộc thi đấu STEM NASA dành cho học sinh 3 cấp học (tiểu học, THCS và THPT) sẽ là hoạt động đặc biệt khi phần thưởng dành cho đội chiến thắng ở mỗi bảng đấu là buổi ăn tối, nói chuyện trực tiếp với các phi hành gia...
* Ông có thể chia sẻ thêm về đối tượng, điều kiện cần để mọi người tham gia Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định 2023?
- Đối tượng chính tham gia tuần lễ là học sinh các cấp (từ tiểu học đến THPT), sinh viên các trường đại học, và cả công chúng yêu thích khoa học vũ trụ, muốn tìm hiểu về hoạt động của NASA đều có thể đăng ký tham gia, không tốn phí. Ban tổ chức Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định 2023 đã là việc với Sở GD&ĐT, Trường ĐH Quy Nhơn… để huy động học sinh, sinh viên đăng ký tham dự. Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo cũng sẽ mở kênh đăng ký online để công chúng có thêm cơ hội, dễ dàng đăng ký tham gia.
Học sinh thực hành làm mô hình STEM thùng rác thông minh. Ảnh: T.LỢI
TẠO ĐÀ ĐỂ KHOA HỌC KHÔNG GIAN, VŨ TRỤ PHÁT TRIỂN
* Ở góc độ là cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực KH&CN, ông kỳ vọng gì qua Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định 2023?
- Đây là lần đầu tiên NASA phối hợp đưa phi hành gia đến một quốc gia ở Đông Nam Á. Tỉnh Bình Định và Hậu Giang là những địa phương vinh dự được tổ chức sự kiện này. Qua sự kiện này, tôi kỳ vọng các phi hành gia của NASA sẽ thấy được Bình Định - một tỉnh nhỏ của Việt Nam dám làm và đầu tư rất lớn cho khám phá khoa học nói chung, nghiên cứu về không gian, vũ trụ, vật lý thiên văn nói riêng. Tôi cũng sẽ tìm cách đề nghị, xúc tiến để Tuần lễ NASA Việt Nam - Bình Định sẽ được NASA xem xét để trở thành sự kiện thường niên tổ chức tại tỉnh.
* Việc được tiếp cận với NASA có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của tỉnh Bình Định, thưa ông?
- Trước mắt điều này sẽ truyền cảm hứng tích cực cho cả xã hội chứ không riêng gì những nhà khoa học, những người quan tâm đến khoa học không gian, vũ trụ. Hơn nữa, Đài thiên văn phổ thông Quy Nhơn đã chính thức đi vào hoạt động, đã có những nghiên cứu, khám phá về các hành tinh, thiên hà, vũ trụ… Do đó, việc tiếp cận với NASA có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của Đài. Từ đây ta có thể phát huy tốt hơn năng lực thiết bị, con người của Đài; có thể tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về vũ trụ, từng bước đề xuất tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu về vật lý thiên văn, khoa học vũ trụ ở các cấp độ chuyên sâu, quy mô hơn.
* Định hướng của tỉnh là phát triển Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo thành nơi nghiên cứu công nghệ vũ trụ trong tương lai gần…
- Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ KH&CN với lãnh đạo tỉnh vào tháng 3 vừa qua, tỉnh có đề xuất Bộ hỗ trợ Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo phát triển thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ nhằm thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030.
Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng các kế hoạch gửi đến Bộ KH&CN để được hướng dẫn thêm; đồng thời, bắt tay vào các nghiên cứu cơ bản, nhất là việc đánh giá hệ kính thiên văn CDK600 và các thiết bị phụ trợ khác nhằm từng bước làm chủ thiết bị, hướng đến công bố các kết quả nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy cho công chúng.
Tôi tin rằng, nếu sự kiện Tuần lễ NASA được tổ chức thường niên tại Bình Định, đó là cơ hội, bước đệm lớn để Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo phát triển, nhất là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, khoa học vũ trụ.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)