Lao đao vì mất việc
Mất việc làm, nhiều người lao động, nhất là lao động ngành xây dựng, ngành gỗ… lâm cảnh khó khăn khi không còn nguồn thu nhập ổn định. Họ phải thích nghi và xoay xở, tìm cách mưu sinh, nuôi sống bản thân và chăm lo gia đình.
Khó khăn bủa vây
Thất nghiệp khiến cuộc sống của nhiều lao động bị đảo lộn. Từng gắn bó hơn 5 năm với việc phụ hồ tại các công trình xây dựng, chị Nguyễn Thị Tốt (SN 1976, ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) cho biết, ngày trước, chị làm công nhật, phụ trách quét dọn, vận chuyển vật liệu xây dựng… được trả 250 nghìn đồng/ngày. Nếu tăng ca tiền công sẽ nhiều hơn, đem lại nguồn thu ổn định. Chồng chị chuyên bốc vác xi măng ở công trình, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày.
Tuy nhiên, gần đây, chủ thầu các công trình phải hạn chế số lượng lao động, khiến chị Tốt cùng chồng mất việc làm từ sau tết Nguyên đán đến nay.
“Cả hai vợ chồng đều căng thẳng vì thất nghiệp cùng lúc. Trong tâm trạng lo lắng, chúng tôi loay hoay kiếm việc khác, miễn sao có tiền để nuôi con. Từ cuốn nem chả, chở đất cát… tôi và chồng đều làm, nhưng thu nhập chưa bằng một nửa ngày trước”, chị Tốt tâm sự.
Khác với chị Tốt, chị Đặng Thị Bích Ngọc (SN 1977, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) lại đối diện với khó khăn trăm bề khi vừa mất việc làm ở xưởng gỗ, vừa phải một mình nuôi con nhỏ, dành dụm tiền để chạy chữa căn bệnh ung thư phổi giai đoạn 2 mà chị mắc phải. Là hộ nghèo, không còn nguồn thu nhập mỗi tháng, chị Ngọc tìm kiếm đủ nơi chỉ mong có được việc làm dù vất vả đến mấy, miễn có thể giúp mẹ con chị xoay xở qua giai đoạn này.
Chị gái chị Ngọc là chị Đặng Thị Bích Hoa (SN 1975, ở cùng xã) cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, bởi từ thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày nhờ việc bốc gạch tại các công trình xây dựng, giờ chỉ kiếm được chưa đến 100 nghìn đồng/ngày. Hai chị em cùng thất nghiệp, nương tựa nhau sống qua ngày bằng số tiền ít ỏi dành dụm từ trước. Mỗi ngày, họ đều nặng đầu nỗi lo cơm áo, gạo tiền.
Chị Ngọc trải lòng: “Gia đình thiếu vắng đàn ông nên 2 chị em phải cố gắng gánh gồng vì con cái. Chị tôi tự học đan sản phẩm nhựa giả mây, có thể đan thành thạo nên hướng dẫn tôi cùng làm. Liên tục từ sáng đến tối, mỗi người mới kiếm được hơn 100 nghìn đồng/ngày”.
Chị Hoa (trái) đan ghế nhựa giả mây mưu sinh qua ngày sau khi bị thất nghiệp. Ảnh: D.L
Nỗ lực tìm lối thoát
Trong cơn bĩ cực do thất nghiệp, người lao động tìm mọi cách để vượt khó. Họ nỗ lực tìm kiếm, chắt chiu các cơ hội việc làm, thậm chí làm một lúc nhiều việc để cải thiện thu nhập. Ngoài ra, sự thông cảm, hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình cũng là cách để giúp họ vượt qua giai đoạn này.
Chăm lo cho con trai cả gần 30 tuổi bị thiểu năng trí tuệ cùng 2 người con đang ngồi trên ghế nhà trường, vợ chồng chị Tốt sợ nhất là con cái sẽ phải nghỉ học vì nhà túng thiếu. Hiện tại, vợ chồng chị vừa phụ hồ cho công trình xây dựng nhỏ gần nhà, vừa lên các trang tuyển dụng để tìm thêm việc.
Chị Tốt cho biết: “Làm ở công trình hiện tại thu nhập bấp bênh mà lại ít hơn trước. Thấy cha mẹ vất vả, 2 con tôi cũng tranh thủ đi làm thêm để phụ giúp ít đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi mới trụ được đến giờ”.
Tương tự, vì thu nhập đến từ nghề đan nhựa giả mây còn thấp nên chị em chị Hoa phải “thắt lưng buộc bụng”, điều chỉnh các khoản chi tiêu hằng ngày. Ngoài ra, vì tình trạng sức khỏe chị Ngọc không đảm bảo, chị Hoa tìm kiếm, hỏi thăm nhiều nơi để tìm việc làm phù hợp cho em gái, nhằm có thu nhập khá hơn.
Bên cạnh đó, chị Hoa còn nhờ Hội LHPN xã giúp để tham gia các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đăng ký học các lớp dạy nghề… “Tôi sẽ học nghề nấu ăn. Học xong, tôi dự định vay vốn từ Ngân hàng CSXH để mở một quán ăn nho nhỏ, song song với việc đan nhựa giả mây tại nhà. Như vậy, tôi sẽ không còn lo thất nghiệp, lại dành dụm thêm tiền để có chi phí chữa bệnh cho em gái”, chị Hoa chia sẻ.
DƯƠNG LINH