Tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại
(BĐ) - Ngày 24.5, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường tổ chức, triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại; nhằm giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ sau:
Quán triệt và triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2052/QD-UBND ngày 29.6.2022 Ban hành “Chương trình phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2022 - 2030” và Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 18.1.2023 về Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Sở NN&PTNT, Sở Y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp Đài PT&TH Bình Định, Báo Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, các quy định về quản lý chó, mèo nuôi, địa chỉ tiêm phòng dại và cách phòng bệnh dại.
Sở NN&PTNN phối hợp Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các công tác: Quản lý chó, mèo nuôi; tiêm phòng vắc xin dại; giám sát bệnh dại trên động vật; hướng dẫn xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại; tổ chức phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng Đề án Củng cố, kiện toàn hệ thống thú y cấp huyện trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 4225/QĐ-UBND ngày 20.10.2021 của UBND tỉnh.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại ở người. Chủ động đảm bảo đầy đủ vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại cho người. Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện người bị phơi nhiễm với chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại. Qua đó phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định...
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 29.6.2022. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về sự lơ là, chủ quan trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch và kết quả tiêm phòng vắc xin dại chó, mèo nuôi không đạt theo tỷ lệ quy định (trên 70% tổng đàn). Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số lượng chó, mèo nuôi ở từng thôn, xã. Đồng thời yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, tiêm phòng, chấp hành thực hiện nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người.
Đối với TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn (địa phương có mật độ dân số cao) và huyện Tuy Phước (địa phương có 2 ca tử vong do bệnh dại năm 2022) chủ động lập kế hoạch xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định số 2052/QĐ-UBND ngày 29.6.2022. Các địa phương còn lại xúc tiến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại; chú trọng các địa phương phát triển du lịch, đông dân cư.
Các sở Tài chính, TT&TT, GD&ĐT căn cứ vào nhiệm vụ, thẩm quyền, phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại.
Đ. THẢO