Lãi suất cho vay chưa đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp
Từ đầu tháng 5.2023, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tuy vậy, theo cộng đồng doanh nghiệp, dù lãi suất cho vay hiện có giảm hơn trước, nhưng vẫn ở mức cao; việc tiếp cận và vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp còn nhiều trở ngại.
Ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định), lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh (SXKD) kỳ hạn dưới 6 tháng, áp dụng đối với khách hàng cá nhân là 9,2%/năm; từ 6 - 11 tháng lãi suất 9,5%/năm; kỳ 12 tháng là 10,8%/năm. Đối với khách hàng là DN, ngân hàng cho vay phục vụ SXKD kỳ hạn dưới 6 tháng là 8,3%/năm; từ 6 - 11 tháng là 8,8%/năm và kỳ trung hạn khoảng 11%/năm. Lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực, ngành nghề (xuất khẩu, NN&PTNT, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) theo quy định tại Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam thấp hơn nhiều mức lãi suất nói trên.
Nhân viên Vietcombank Bình Định tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Nguyễn Văn Thúy, Giám đốc Vietcombank Bình Định, cho biết: Ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ở hầu hết các kỳ hạn trên nhiều lĩnh vực nhằm chia sẻ với khách hàng. Dư nợ cho vay từ đầu năm đến nay đạt khoảng 9.400 tỷ đồng, tăng gần 1% so với đầu năm. Tới đây, Vietcombank Bình Định sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ và của NHNN Việt Nam để hỗ trợ duy trì, phát triển kinh tế.
Tương tự, các ngân hàng: Agribank, BIDV, Vietinbank cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay SXKD và vay phục vụ đời sống từ 0,5 - 1% so với tháng trước. Cùng với đó là triển khai Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân theo Nghị quyết số 33/2023 của Chính phủ với lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường trung và dài hạn tại các ngân hàng.
Xu hướng giảm lãi suất cho vay cũng lan rộng sang nhóm ngân hàng dân doanh. Tùy vào năng lực của mỗi ngân hàng, đối tượng, lĩnh vực vay, các ngân hàng giảm lãi suất tiền vay phổ biến từ 0,5 - 1%/năm. Trong đó, đáng chú ý là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Bình Định (Sacombank Bình Định) triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất thấp khá hấp dẫn (lãi suất thấp nhất là 8%/năm). Ông Lê Vũ Cảnh, Phó Giám đốc Sacombank Bình Định, cho hay: Với mong muốn chia sẻ cùng khách hàng, ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận khi triển khai gói tín dụng này, đảm bảo khách hàng tiếp cận, vay vốn một cách nhanh nhất.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất tín dụng và tiếp tục cung ứng dòng vốn cho thị trường sẽ giúp DN, người dân có thêm sự lựa chọn trong tiếp cận, vay vốn. Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cho rằng, dù lãi suất cho vay hiện có giảm hơn trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; việc tiếp cận và vay vốn từ các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi của Chính phủ, như gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN với quy mô lên đến 40.000 tỷ đồng còn quá nhiều trở ngại. Đóng góp của ngành gỗ đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh rất lớn, nhưng từ quý IV/2022 đến nay, nhiều DN thành viên của FPA Bình Định không có đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh này, DN cần sự chia sẻ nhiều hơn từ phía ngân hàng, trước mắt gia hạn thêm thời hạn trả nợ và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm lãi suất cho vay thấp hơn, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết nhanh vốn vay cho DN.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định, cho biết: Hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, đơn hàng giảm từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước, giá sản phẩm xuất khẩu giảm từ 20 - 30%. Trong lúc khó khăn, các ngân hàng chia sẻ với DN thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất là điều đáng quý. Tuy vậy, mức giảm lãi suất là không đáng kể, chưa đáp ứng được mong đợi của DN. Cùng với sự nỗ lực của DN, phía ngân hàng cần giảm lãi suất thấp hơn nữa, tạo điều kiện cho DN vay vốn để đầu tư duy trì SXKD và hoàn trả nợ vay.
Bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định - Công ty CP, cho hay: Phần lớn thành viên của Hiệp hội đều là đối tác của ngân hàng và việc chia sẻ đồng hành với DN cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng. Vì vậy, khi DN gặp khó và cần vay vốn với lãi suất hợp lý, phía ngân hàng nên xem xét giải quyết sớm, nhất là các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ đối với DN.
PHẠM TIẾN SỸ