Khi nhà văn lăng xê chính mình
Nếu như trước đây, vai trò của nhà văn chỉ dừng lại ở việc hoàn tất bản thảo, giao cho NXB, cùng lắm là tham gia các hoạt động quảng bá sách do đơn vị xuất bản, làm sách tổ chức là xem như hết trách nhiệm. Bây giờ, nhà văn, tác giả sách đã phải làm tất cả mọi việc, từ quảng bá, giới thiệu đến giao lưu, tọa đàm nhằm đưa đứa con tinh thần của chính mình đến với bạn đọc.
Một buổi ra mắt sách theo phong cách mới đậm tính giao lưu giữa bạn đọc và tác giả.
Học từ nước ngoài
Trước đây, việc nhà văn trong nước tham gia quảng bá sách chủ yếu mang tính thụ động, đơn vị xuất bản “bảo sao nghe vậy”, hiếm hoi có những tác giả chủ động thực hiện việc quảng bá sách thì cũng chỉ dừng lại ở chỗ mời những người bạn truyền thông thân tình như Bùi Anh Tấn hồi ra mắt Một thế giới không có đàn bà.
Khi thị trường văn học trong nước mở rộng cửa, hình ảnh các nhà văn nước ngoài chạy đến Việt Nam như Marc Levy giao lưu thân thiết với bạn đọc trẻ, những độc giả chính dòng tiểu thuyết lãng mạn của ông hay Andy Stanton làm anh hề cho thiếu nhi để giới thiệu tác phẩm Lão Kẹo gôm, tỷ phú Thái đãi tiệc ngoài trời giới thiệu hồi ký…
Và nhà văn trong nước bắt đầu nhập cuộc, đi đầu vẫn là những nhà văn trẻ, những người vốn được xem là nhanh nhạy với cái mới. Nữ nhà văn trẻ Di Li khi ra mắt cuốn sách Nhật ký mùa hạ đã tạo sự kiện khi gắn với việc thực hiện phiên bản số cùng lúc với bản giấy. Nhà văn Vi Thùy Linh thì tổ chức cả một chương trình nghệ thuật với tên gọi Bay cùng ViLi tại Nhà hát lớn Hà Nội để ra mắt 2 tác phẩm Vili & Paris và Vili tùy bút.
Tuy nhiên, cho đến nay có thể nói thành công nhất trong số các nhà văn chủ động thực hiện quảng bá sách của chính mình có lẽ là nhà thơ Phong Việt. Toàn bộ công việc quảng bá, từ tạo sự kiện trên mạng, đăng thơ trên mạng xã hội, bán thơ qua mạng, giao lưu tác giả, tổ chức ký tặng… hầu như đều do hai vợ chồng tác giả thực hiện mà không cần sự giúp đỡ của NXB hay một đơn vị tổ chức sự kiện nào.
Không chỉ có nhà văn trẻ, những nhà văn thuộc thế hệ đi trước cũng không chịu kém cạnh trong lĩnh vực này. Vừa qua, màn ra mắt tác phẩm Hoang tâm của nhà văn Nguyễn Đình Tú được bạn đọc chú ý. Buổi ra mắt tác phẩm viết về đề tài chiến tranh được thực hiện bằng màn trình diễn một vài đoạn trong tác phẩm do chính tác giả và một người bạn thực hiện dưới nền giai điệu Hồn tử sĩ do một nghệ sĩ violon trình bày trực tiếp.
Nhà văn Đặng Thân khi ra mắt tiểu thuyết 3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) lại gây ấn tượng bằng màn độc thoại nội tâm kết hợp với với phê bình văn học kèm theo cả trình diễn bút thoại thư pháp. Đây được xem là màn ra mắt sách lạ nhất từ trước đến nay khi cùng lúc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật.
Sắc màu văn chương
Việc các nhà văn, nhà thơ chủ động tham dự vào quá trình quảng bá sách là một bước đi tất yếu của một nền văn học chuyên nghiệp. Các tác giả là người am hiểu nhất tác phẩm của chính họ nên việc lựa chọn phương thức quảng bá cũng dễ mang lại hiệu quả cao. Sự thành công của Phong Việt khi tập thơ của nhà thơ đạt kỷ lục về số lượng bán ra là minh chứng rõ ràng nhất.
Một điều đáng chú ý khác là không phải lúc nào việc quảng bá sách cũng nhằm vào doanh số bán sách. Đây là điều khác biệt lớn nhất của việc quảng bá sách do đơn vị làm sách thực hiện với quảng bá chủ động của tác giả. Có nhiều tác phẩm, tác giả viết ra thì ước mơ bán nhiều chỉ được xếp thứ hai sau mong muốn tìm kiếm những người bạn tri âm. Như khi nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng ra mắt tập thơ Một thời tôi từng có nhắc đến một thời ông học tập, làm việc tại nước Nga (Liên Xô cũ), buổi ra mắt sách đã thành nơi những người bạn, người cùng thế hệ của tác giả cùng hát vang những ca khúc về nước Nga vốn gắn liền với kỷ niệm một thời tuổi trẻ. Hoặc như PGS.TS Văn Giá giới thiệu tập chân dung-tiểu luận phê bình Người khác và tôi một cách nhẹ nhàng nhưng đầy chất văn giữa các bạn bè văn chương tại Khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hóa.
Dù hào nhoáng rực rỡ, dù gây sốc, bất ngờ hay nhẹ nhàng, lặng lẽ, việc các tác giả tham dự, chủ động thực hiện quảng bá sách của chính mình cũng đang đem lại một nét văn hóa mới lạ, đem lại sự sinh động cho văn hóa đọc trong nước.
. Theo SGGP