Phối hợp ngăn chặn tội phạm kinh tế, sở hữu, tham nhũng, chức vụ
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tội phạm kinh tế, sở hữu, tham nhũng, chức vụ trên địa bàn tỉnh có phần diễn biến phức tạp, chiếm 42% trong cơ cấu tội phạm. Nhóm tội phạm này xuất hiện trong nhiều lĩnh vực với hình thức, thủ đoạn đa dạng, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế đến nhiều người trong thời gian dài.
Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, phần lớn tội phạm kinh tế, sở hữu, tham nhũng, chức vụ đều lợi dụng lòng tin, sự chủ quan của nạn nhân, tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, từ ngày 1.12.2022 - 1.4.2023, các ngành chức năng đã khởi tố 115 vụ/110 bị can thuộc nhóm tội này, phổ biến là các hành vi như trộm cắp tài sản, buôn bán hàng cấm; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...
Một nhóm bị cáo bị xét xử về hành vi chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook để lừa đảo tài sản của nhiều nạn nhân. Ảnh: K.A
Đáng chú ý, tội phạm lợi dụng công nghệ và sự thiếu cảnh giác của nạn nhân để gây án. Mới đây, chị H.T.T.H. (TP Quy Nhơn) được một tài khoản Zalo giới thiệu, tư vấn đầu tư tài chính sinh lợi. Để tham gia, chị H. phải mở tài khoản theo chúng hướng dẫn và nộp vào 1 triệu đồng. Sau đó, chị H. nhận được tiền lời nên tin tưởng, tiếp tục đầu tư.
Cuối cùng, chị H. nhận được thông báo số tiền 145 triệu đồng vừa đầu tư đã sinh lời 5.000 USD. Tuy nhiên, để rút được tiền, chị H. phải nộp tiền bảo hiểm, sau đó tội phạm đưa ra nhiều lý do để yêu cầu chị H. tiếp tục đóng tiền. Cuối cùng, số tiền chị H. bị lừa lên đến 590 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng, chức vụ với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của một số đối tượng cũng diễn biến phức tạp. Như vụ Bùi Văn Thăng lợi dụng chức vụ là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, tự ý ký văn bản đề nghị Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch chi hơn 1,2 tỷ đồng cho Ban Quản lý để hỗ trợ cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, nhưng lại sử dụng vào việc khác.
Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, nguyên nhân chủ yếu của tội phạm kinh tế, sở hữu, tham nhũng, chức vụ là do một số người đã đề cao lợi ích kinh tế, xem nhẹ các giá trị khác. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nhìn nhận, về bản chất tội phạm trong nhóm hành vi này sử dụng phương thức, thủ đoạn không mới, nhưng liên tục thay đổi kịch bản cũng như lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, vị trí công tác để thực hiện hành vi phạm tội.
“Sự cả tin, hám lợi và thiếu kiểm tra, giám sát của cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị chủ quản là kẽ hở để tội phạm hoạt động. Viện KSND 2 cấp đã và đang chủ động phối hợp với cơ quan điều tra cùng cấp xử lý vụ việc ngay từ đầu, giám sát kỹ tiến độ vụ việc để kịp thời kiến nghị, yêu cầu, đề xuất nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, tránh tình trạng bỏ trốn hay tẩu tán tài sản”, ông Sang cho biết.
Đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết lãnh đạo CA tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và CA các đơn vị, địa phương luôn chủ động nắm chắc tình hình, vấn đề, lĩnh vực tiềm ẩn vi phạm. Phân tích, dự báo, kịp thời nhận diện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, các hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu ở các lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm để tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý.
Trong đó, tăng cường trao đổi thông tin tình hình với các sở, ban, ngành để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, sở hữu, tham nhũng bảo đảm thận trọng, khách quan, đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
KIỀU ANH