Việt Nam sắp có trung tâm thuốc hiếm
Bộ Y tế cho biết đang khẩn trương hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm nhằm giải quyết tình trạng cạn kiệt kho dự trữ, khiến tính mạng người dân bị đe dọa.
Sáng 27.5, ông Lê Việt Dũng, phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết số lượng danh mục các thuốc dữ trự sẽ khoảng 15-20 loại. Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng để giải độc chất botulinum cũng nằm trong danh mục này.
Thuốc giải độc tố botulinum (BAT - Botulism Antitoxin Heptavalent), giá 8.000 USD/lọ, rất hiếm ở Việt Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo ông Dũng, hiện các căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ. Do đó, Cục Quản lý dược đề nghị bệnh viện trên cả nước dự báo tình hình dịch bệnh, xác định nhu cầu cũng như dự trù số lượng cần thiết để gửi về Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Dũng không nói rõ thời điểm ra đời của các trung tâm thuốc hiếm trên.
Cục Quản lý Dược cũng họp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó thảo luận cơ chế hợp tác với cơ quan y tế Liên Hợp Quốc và các nước trong khu vực để có sự liên thông về các kho dự trữ thuốc hiếm. Khi cần, Việt Nam có thể đề nghị được cung ứng trực tiếp và nhanh chóng từ nguồn cung này.
Thời gian qua, nhiều loại thuốc giải độc, chống độc rất thiếu ở Việt Nam. Đây là những thuốc thường ít khi bệnh nhân sử dụng, giá rất đắt nên các bệnh viện không dự trữ hoặc cần Bộ Y tế phê duyệt mua sắm. Điều này dẫn đến khi bệnh nhân có nhu cầu thì không có thuốc dùng, chậm trễ điều trị, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng.
Đơn cử như vụ hàng chục người ngộ độc botulinum do ăn pate chay năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tài trợ khẩn cấp 10 lọ thuốc giải độc từ Thụy Sĩ về Việt Nam cứu chữa bệnh nhân.
Hồi tháng 3 là vụ 10 bệnh nhân ở Quảng Nam ngộ độc sau ăn cá muối chua, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang 5 lọ thuốc giải độc duy nhất của cả nước đến hỗ trợ điều trị.
Từ ngày 13.5 đến nay, lần lượt 5 người ở TP Thủ Đức ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo và một người nghi do ăn mắm. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi được dùng hai lọ thuốc giải độc cuối cùng, hiện sức khỏe tiến triển. Ba ca còn lại chỉ được điều trị hỗ trợ vì cả nước cạn thuốc giải độc BAT. Tuy nhiên, một bệnh nhân đã qua đời trước khi được truyền một trong 6 lọ thuốc giải độc mà WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tài trợ. Hai bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy không kịp sử dụng thuốc do đã hết thời gian "vàng".
(Theo Lê Nga/VnE)