Cảnh giác với “Body shaming”
“Body shaming” (tạm dịch “Miệt thị ngoại hình”) là thuật ngữ không còn xa lạ trong cuộc sống hiện nay. “Body Shaming” là hành động vô ý hoặc cố ý của một người, một nhóm người về ngoại hình của người khác. Họ sử dụng ngôn ngữ, ánh mắt, cử chỉ, hình ảnh khiếm nhã… để nhận xét, chê bai, thậm chí là dè bỉu. Nạn nhân của vấn nạn này thông thường nếu nhẹ sẽ mang cảm xúc buồn bã, xấu hổ, đánh mất sự tự tin. Nặng hơn, nạn nhân sẽ tự cô lập bản thân vì cảm thấy không nhận được sự giúp đỡ; bản thân không tự xử lý được và dần dần dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, tổn thương ý chí, không còn năng lượng để học tập, làm việc… thậm chí là tự làm tổn thương bản thân mình; trường hợp xấu nhất là tự tử.
Nếu bạo lực học đường được tạo ra bằng các tác nhân vật lý thì “Body shaming” là dạng vũ khí bạo lực tinh thần gây ra tổn thương lớn.
Trần Thị N. (ở huyện Vân Canh) luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Tuy nhiên, N. bị suy dinh dưỡng đáng báo động vì thói quen chăm chỉ học hành quá mức. Hằng ngày, N. đều phải nghe rất nhiều câu nói khó nghe: “Không khác gì con mắm”, “Cái bộ ốm thấy gớm”, ”Mặt mày giống bộ xương dán trên trụ điện quá!”... Thỉnh thoảng, bố mẹ cũng vì lo lắng mà ít nhiều la mắng N. Ít ai có thể nhận biết được chính những ngôn từ đó vô tình tác động trực tiếp lên tinh thần của em, tình trạng biếng ăn càng ngày càng nặng, N. có dấu hiệu phản ứng trước lời nói người khác bằng cảm xúc mất bình tĩnh, rất hay khóc, không chịu chia sẻ cùng ai, thậm chí la hét. Giải pháp tạm thời lúc này của bố mẹ N. là dặn dò từng người một tuyệt đối không được dùng từ ốm, gầy khi gặp N. để em giữ được tâm trạng bình thường khi ôn thi tốt nghiệp.
Trường hợp khác, em Nguyễn Thu T. (cựu học sinh Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn) từ miền núi chuyển đến học tập tại môi trường thành phố, không được trắng trẻo, thêm cách ăn mặc không xinh xắn, nên thường xuyên bị các bạn trêu chọc bằng các từ ngữ khiếm nhã: “Đồ châu Phi”,”Đồ miền núi da cơm cháy”, “Nhìn trong lớp ai đen nhất thì chính là con T.”, đặt biệt danh cho em là “Heo rừng”… T. cảm thấy bị xúc phạm và coi thường, cảm giác tự ti, lo sợ mỗi khi đến lớp, cực kỳ sợ ánh mắt mọi người sẽ nhìn mình, nhiều lần muốn được trở lại môi trường cũ học tập. Em chia sẻ, em còn cảm thấy ghét chính mình. Hệ lụy của trường hợp này không chỉ là áp lực, tổn thương bởi sự dè bỉu, mà còn xuất hiện thêm “Body shaming ngược - Miệt thị bản thân”.
Để đối phó với hành vi “Miệt thị ngoại hình”, người lớn cần gần gũi, chia sẻ cùng con trẻ. Cần phải dạy kỹ năng “Tự đối mặt”, giúp trẻ có thể tự nói lên cảm xúc của bản thân, có những phản ứng mạnh mẽ để người khác hiểu được tác hại từ lời nói của họ và dừng lại. Đồng thời, dạy trẻ hiểu được giá trị bản thân ở đâu để tập trung phát huy, thay vì mất năng lượng từ những ngôn ngữ tiêu cực bên ngoài. Các kỹ năng này không chỉ giúp các em vượt qua được những tình huống bất ngờ khi không có cha mẹ bên cạnh, tạo cho bản thân có thêm ý chí, động lực vượt qua “Body shaming”, mà còn hình thành nên “cái đầu lạnh”, rất hữu ích cho quá trình học tập và làm việc sau này.
Hơn hết, không ít cha mẹ, người thân của trẻ vẫn xem “Body shaming” mang tính giải trí, là thú vui trong giao tiếp mà không mường tượng được hậu quả; chính con trẻ đang học thói xấu đó từ mình. Điều này cần phải được lên án và loại bỏ ngay, cho dù là vô tình hay cố ý.
THẢO TRANG