Ổn định cuộc sống với nghề xe sợi thừng
Với mong muốn ổn định kinh tế và chăm lo cho đời sống gia đình, vợ chồng anh Nguyễn Văn Quốc (45 tuổi) và chị Ðỗ Thị Hồng Vương (35 tuổi) ở thôn Dương Liễu Ðông, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị phát triển nghề xe sợi thừng. Ðến nay, bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất của gia đình anh đưa ra thị trường gần 2 tấn dây các loại.
Theo chị Vương, nghề xe sợi thừng là nghề mà các thành viên trong gia đình gắn bó hơn 30 năm. Tuy nhiên, hầu hết đều làm thủ công, quy mô nhỏ, năng suất thấp; thêm vào đó việc tiêu thụ sản phẩm làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên đầu ra hạn chế. Do vậy, ban đầu chỉ mình anh Quốc theo nghề, còn chị vẫn làm thợ may.
“Dù làm việc đều đặn nhưng thu nhập không cao, chi phí sinh hoạt và cho các con ăn học thiếu trước hụt sau. Sau nhiều lần bàn bạc với nhau, hai vợ chồng thống nhất tập trung vào nghề xe sợi thừng. Tôi nghỉ việc may, về “học việc” từ chồng. Để nâng cao sản lượng, vợ chồng tôi mua thêm máy móc phụ trợ, tìm nguồn sợi lấy sỉ không qua trung gian để giảm giá thành sản phẩm; đầu tư xe bán tải để tự giao hàng cho bạn hàng các tỉnh… Vay mượn anh em bạn bè, cộng với việc được vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ, vợ chồng mạnh dạn phát triển sản xuất và đời sống ổn định dần” - chị Vương chia sẻ.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Quốc và chị Đỗ Thị Hồng Vương thoát nghèo nhờ bám nghề xe sợi thừng. Ảnh: THU DỊU
Sau gần 4 năm tập trung phát triển, khai thác khách hàng, việc sản xuất của gia đình anh Quốc ngày càng suôn sẻ, đơn hàng đều và thu nhập tăng dần. Theo chị Vương, nghề xe sợi thừng trước đây chủ yếu làm thủ công, dựa vào sức người để vắt, bện và kéo dây… thời gian bỏ ra nhiều mà sản phẩm làm được ít, hiệu quả kinh tế rất thấp. Hiện nay, cũng như gia đình chị, hầu hết người làm nghề đều có sự trợ giúp của các máy móc như máy xe sợi, máy cuộn sợi thành phẩm, rút ngắn thời gian làm việc và hiệu quả tăng lên thấy rõ.
“Lấy công làm lãi, nghề xe sợi thừng giúp gia đình tôi thoát nghèo và cuộc sống dần cải thiện. Với nhu cầu đơn hàng tăng lên, vợ chồng tôi tính toán mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, liên kết với các thành viên khác trong gia đình chồng để mở rộng quy mô; tiếp cận thêm các gói vay ưu đãi phù hợp để mở rộng sản xuất”, anh Quốc phấn khởi chia sẻ.
Theo anh Quốc, nếu chịu khó thì hoàn toàn có thể làm giàu từ nghề xe sợi thừng. Điểm thuận lợi là hai vợ chồng cùng nỗ lực, chịu khó làm lụng, chạy mối hàng. Vợ ở nhà lo làm sợi thừng, chồng đi chào hàng, tìm mối khắp các vùng để đảm bảo việc tiêu thụ. Chính nhờ chịu khó tìm mối như vậy, anh chị không những đã có lượng bạn hàng ổn định ở các làng biển trong và ngoài tỉnh, các tỉnh Tây Nguyên mà còn có thể đáp ứng những đơn hàng lẻ có yêu cầu kỹ thuật riêng. Chính nhờ thế mà hễ anh Quốc “có một mối là chắc một mối”.
Ông Phan Phương Trình, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Phù Mỹ cho biết, anh Quốc chị Vương là trường hợp được vay theo diện hộ cận nghèo để đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Nhờ tổ chức sản xuất - tiêu thụ tốt, hiện tại gia đình anh chị đã thoát nghèo, trả hết nợ. Nhưng với uy tín đã có với Ngân hàng, khi anh chị có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện để anh chị tiếp cận vốn ưu đãi từ chương trình tạo việc làm.
QUANG BẢO