Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quỹ vắc xin đang còn dư 3.118,9 tỷ đồng
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình và làm rõ các vướng mắc về chuyển nộp kinh phí, định giá trị tài sản tài trợ, vắc xin tiêm chủng, bảo hiểm cũng như chế độ cho cán bộ y tế…
Cuối phiên thảo luận chiều 29.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo trước Quốc hội làm rõ một số vấn đề liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 nhằm giải quyết những vướng mắc thực tế hiện nay.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, qua 3 năm phòng chống dịch, nguồn lực của NSNN và các nguồn ủng hộ của người dân, tài trợ từ các DN, viện trợ của các quốc gia là là hết sức to lớn. Chính phủ đã hết sức linh hoạt, kịp thời huy động được nguồn kinh phí, tìm kiếm nguồn vắc xin phòng dịch cũng như các loại thuốc chữa bệnh cùng hàng loạt chính sách miễn giãn hoãn và hoàn thuế, phí cùng các gói trợ người dân và DN sau dịch.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải đáp nhiều vấn đề các ĐBQH quan tâm liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Mặc dù công tác phòng chống dịch đã đạt được nhiều thành công, song Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình huy động và sử dụng nguồn lực phòng chống dịch. Giải thích đề nghị xem xét Mặt trận Tổ quốc cấp dưới nộp kinh phí về Mặt trận Tổ quốc cấp trên, để nộp vào ngân sách hoặc nộp vào quỹ vắc xin, Bộ trưởng cho biết, Mặt trận cấp dưới chỉ nộp khoản tiền các DN và người dân hỗ trợ để Mặt trận Tổ quốc mua vắc xin. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương đã bỏ tiền mua và chi từ Quỹ Vắc xin, nên khoản hỗ trợ này phải được chuyển trở lại.
“Đối với các nguồn lực chống dịch khác, địa phương được phép để lại thực hiện chống dịch. Trong trường hợp còn dư, các địa phương sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để nguồn này đưa vào chương trình hiện đại hóa trang thiết bị y tế hoặc sử dụng cho công tác phòng, chống dịch…”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm rõ.
Làm rõ vấn đề xác định giá trị tài sản tài trợ hoặc thẩm định giá đối với tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đơn vị tiếp nhận căn cứ vào hóa đơn xuất của bên viện trợ để ghi tăng tài sản công và không thẩm định lại. Chỉ khi tài sản không sử dụng hoặc hoặc sử dụng đến khi thanh lý mới cần phải xác định giá tối thiểu để bán đấu giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình làm rõ việc mua vắc xin tiêm chủng. Theo đó, trước năm 2020 vắc xin được đưa vào Chương trình mục tiêu, nhưng sau năm 2020 việc mua vắc xin được bố trí từ ngân sách, Bộ Tài chính đã bố trí nguồn cho Bộ Y tế đến năm 2021 là 132.000 tỷ đồng; năm 2022 là 176.176 tỷ đồng. “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế để và sẽ chuyển tiền để thực hiện gói mua vắc xin phục vụ cho công tác tiêm chủng mở rộng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất y tế, Bộ trưởng cho biết, trong Nghị quyết 43 đã bố trí 14.000 tỷ đồng trong tổng số 176.000 tỷ gói phục hồi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng y tế cơ sở. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn bố trí ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cho việc đầu tư nâng cấp sửa chữa, hiện đại hóa cơ sở y tế cơ sở.
Giải đáp về chính sách cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế, trước Quốc hội Bộ Trưởng Hồ Đức Phớc tiếp thu và sẽ hoàn thiện. Riêng về bảo hiểm y tế, do Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn trong khi chi ra gần như không hạn chế nên phải quản lý theo dự toán. Khi sửa Luật Bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ lưu ý đến vấn đề này với phương án cấp bù bằng ngân sách cho y tế tuyến cuối, đảm bảo cho vấn đề thanh toán y tế một cách thuận lợi nhất.
Thông tin về Quỹ vắc xin, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Quỹ thu được 10.791 tỷ đồng sau đó đã chi mua vắc xin 7.672 tỷ và đang còn dư 3.118,9 tỷ đồng trên tổng số là 693.476 lượt ủng hộ. “Ngay sau khi thành lập Quỹ, chúng ta có gần 11.000 tỷ đồng để chủ động trong vấn đề mua vắc xin là một thành công rất lớn”, người đứng đầu Bộ Tài chính khẳng định.
Theo Nguyễn Quỳnh (VOV.VN)