ĐBQH Lê Kim Toàn góp ý về quy định lấy phiếu tín nhiệm và chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh
(BĐ) - Chiều 30.5, trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Theo ĐB Lê Kim Toàn, về Dự thảo quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, theo Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2.2.2023 của Bộ Chính trị, tại khoản 4, mục 3 chỉ quy định lấy phiếu tín nhiệm với bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, trưởng các ban của HĐND, các thành viên khác của UBND quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Quy định này không quy định bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND cấp xã, phường, thị trấn là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
ĐBQH Lê Kim Toàn phát biểu tại tổ chiều 30.5. Ảnh: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh
Trong khi đó, trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội thì lại quy định nguyên tắc là HĐND sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND và các thành viên khác của ủy ban.
Do đó, ĐB Toàn đề nghị ban soạn thảo, Đảng đoàn Quốc hội xem xét sửa đổi để cho thống nhất giữa hai quy định.
Góp ý về cơ chế thí điểm cho TP Hồ Chí Minh, ĐB Toàn cơ bản nhất trí với các nội dung của tờ trình. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn với quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 9 của Dự thảo Nghị quyết về tổ chức bộ máy quy định là HĐND thành phố căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm, địa bàn để quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Theo ĐB, điều này được hiểu là tạo cho TP Hồ Chí Minh chủ động trong việc quyết định số lượng cán bộ, công chức công tác tại xã, phường theo đặc thù để đáp ứng yêu cầu công việc.
“Đây là thí điểm về cơ chế chính sách, thí điểm về tổ chức bộ máy, rồi chúng ta rút kinh nghiệm đánh giá để sắp xếp lại tổ chức, bộ máy. Chúng ta có thể thí điểm về cơ chế, về phát triển KT-XH… nhưng thí điểm về tăng số lượng cán bộ thì tôi hơi băn khoăn. Bởi, vấn đề này liên quan đến con người, cho thí điểm tăng lên số lượng thì phải tuyển dụng. Rồi nếu sau này đánh giá không hợp lý, cho hạ xuống thì thế nào. Vì liên quan đến con người, liên quan đến quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm nên tôi rất mong cơ quan soạn thảo cần phải hết sức cân nhắc”, ĐB Toàn phát biểu.
Theo ĐB Toàn, Quốc hội tạo điều kiện cho thành phố quyết định về số lượng cán bộ xã, phường, quận, huyện trực thuộc nhưng không vượt quá bao nhiêu lần so với số lượng cán bộ chung theo quy định của Trung ương.
Ví dụ, xã loại ba theo quy định được 19 cán bộ, công chức; xã loại hai được 21, xã loại một được 25; thì phường, xã của TP Hồ Chí Minh có thể được quyền tăng thêm nhưng không quá 2 lần hoặc không quá 1,5 lần so với quy định. “Cần có quy định khung như vậy để vừa tạo cơ chế cho thành phố nhưng vẫn nằm trong khung điều tiết chung. Còn nếu giao quyền quyết định số lượng cho thành phố, nếu sau này tổng kết lại thấy không hợp lý, tiến hành điều chỉnh thì hết sức phức tạp”, ĐB Toàn góp ý.
NGUYỄN HÂN (Ghi)