Công tác kết nghĩa với các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão:
Góp phần đổi thay bộ mặt nông thôn, miền núi
An Lão là huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 57 thôn, làng, trong đó có 40 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, hoạt động kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vùng đồng bằng với các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển KT-XH, đổi thay bộ mặt nông thôn, miền núi.
Hiện tại, trên địa bàn huyện An Lão có 40/40 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được 118 cơ quan, đơn vị, DN triển khai các hoạt động kết nghĩa; trong đó có 80 cơ quan, đơn vị, DN ở tỉnh và 38 cơ quan, đơn vị ở huyện.
Huyện An Lão tặng giấy khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong công tác kết nghĩa với các thôn, làng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2022. Ảnh: M.L
Căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, DN đã chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, qua đó thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm với các thôn, làng vùng đồng bào DTTS. Đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Giao lưu, thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc...
Từ năm 2019-2022, các cơ quan, đơn vị, DN kết nghĩa đã trao tặng hơn 7.000 suất quà cho các thôn kết nghĩa với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Riêng dịp tết Quý Mão 2023, các đơn vị kết nghĩa đã tặng 2.865 suất quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Một số cơ quan, đơn vị đã giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn; hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất; xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở...
Ghi nhận những kết quả tích cực từ hoạt động kết nghĩa với địa phương, Bí thư Đảng ủy xã An Toàn Đinh Văn Trận cho biết: “Chủ trương kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, DN vùng đồng bằng với các thôn vùng đồng bào DTTS là giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo của các thôn trên địa bàn xã vốn có nhiều khó khăn, cách trở. Đời sống của bà con nhiều mặt được cải thiện; nhận thức và chấp hành chính sách, pháp luật của người dân được nâng lên; các tập tục lạc hậu được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy An Lão Trần Ngọc Ánh đánh giá: Qua thực tiễn có thể khẳng định, hoạt động kết nghĩa ở An Lão đã góp phần vun đắp, xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa các cơ quan, đơn vị, DN vùng đồng bằng với đồng bào DTTS; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh; ngăn chặn, đẩy lùi các tập tục lạc hậu; đảm bảo ANTT xã hội; củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc.
Thời gian đến, để nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị, DN được phân công, giới thiệu cần tăng cường các hoạt động chuyên sâu, gắn kết, mang tính bền vững, có tác động lan tỏa; góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm; hỗ trợ cụ thể trong quá trình thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới...
Mặt khác, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, đơn vị, DN được giới thiệu, phân công kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền địa phương. Kịp thời sơ kết, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, DN làm tốt, đồng thời phê bình, nhắc nhở các biểu hiện hình thức; thay thế các cơ quan, đơn vị hoạt động kém hiệu quả khi cần thiết.
MINH LỰC