Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn:
Chưa đảm bảo các yêu cầu, tỉnh sẽ không trình đề án đầu tư
Sáng 30.5, tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, UBND tỉnh tổ chức thông tin chủ trương về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn, triển khai trên địa bàn thôn Lộ Diêu. Tại đây, lãnh đạo tỉnh khẳng định quan điểm nhất quán không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Ðây mới chỉ là thông tin bước đầu về dự án để người dân biết và tỉnh luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; khi dự án chưa đảm bảo các yêu cầu thì tỉnh sẽ không chấp thuận thông qua việc trình đề án đầu tư.
Chủ trì buổi thông tin có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn. Dự buổi lễ còn có đại diện các sở, ngành tỉnh và TX Hoài Nhơn cùng đông đảo người dân địa phương.
Lãnh đạo tỉnh và TX Hoài Nhơn lắng nghe ý kiến của người dân. Ảnh: TIẾN SỸ
Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế
Tại buổi thông tin, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Hoàng Nghi cho biết, việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phù hợp với phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đây cũng là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế tỉnh Bình Định. Dự kiến, dự án hoàn thành sẽ tạo việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ, cảng biển... phát triển.
Ước tính trong giai đoạn xây dựng, dự án sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng gần 5.000 tỷ đồng; khi nhà máy hoàn thành đi vào sản xuất cả 3 giai đoạn sẽ đóng góp gần 10.400 tỷ đồng; khi đi vào hoạt động toàn bộ, dự án đóng góp cho tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành hơn 20.500 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy KT-XH TX Hoài Nhơn và của cả tỉnh phát triển.
Thiết bị, công nghệ của dự án đều được nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản; quy trình sản xuất khép kín, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau, chất thải tạo ra trong các công đoạn sản xuất (bụi lò, vẩy cán, xỉ luyện thép) đều được thu hồi và đưa vào làm nguyên liệu cho các công đoạn khác.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và TX Hoài Nhơn chủ trì buổi thông tin về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Ảnh: TIẾN SỸ
Phát biểu tại buổi thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Dự án sẽ sử dụng công nghệ chính là công nghệ lò cao để luyện thép. Đây là công nghệ tiên tiến nhất đến thời điểm hiện nay. Hơn nữa, nhà máy được lắp đặt quan trắc tự động sau hệ thống xử lý nước thải, khí thải trước khi thải ra môi trường và truyền trực tiếp số liệu về Sở TN&MT, Bộ TN&MT với tần suất 5 phút/lần để theo dõi, giám sát; đồng thời xây dựng công trình ứng phó sự cố, xây dựng 1 nhà máy xử lý chất thải rắn nội bộ trong dự án... Vì vậy việc lặp lại sự cố môi trường như dự án Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh sẽ không xảy ra đối với dự án này. Hơn nữa, khoảng 32% diện tích dự án dành cho cây xanh và các vùng đệm cách ly, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nhà máy đến môi trường.
Đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn
UBND tỉnh chuẩn bị 4 khu tái định cư (TĐC), trong đó khu TĐC số 1 tại thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, diện tích quy hoạch khoảng 20 ha dự kiến bố trí 300 lô; khu TĐC số 2 tại vùng thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải, bố trí 224 lô; khu TĐC số 3 tại phía Tây Bàu Hồ, phường Hoài Hương, bố trí 299 lô; khu TĐC số 4 tại khu vực Bang Bang, nằm ở phía Đông Bắc thôn Lộ Diêu, dự kiến bố trí khoảng 700 lô TĐC cho người dân thôn Lộ Diêu, mỗi lô rộng 200 - 300 m2.
“Quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Dự án này muốn được thông qua phải đảm bảo 5 nguyên tắc: Công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn; dự án không vi phạm các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn; địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị, xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay. Nếu dự án không đảm bảo các nguyên tắc nêu trên thì tỉnh sẽ không chấp thuận thông qua việc trình đề án đầu tư!”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Các khu TĐC sẽ xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị; có đầy đủ, đồng bộ các hạng mục công trình phục vụ sinh hoạt chung như: Chợ, trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa, công viên, sân thể thao… Tỉnh cũng dự kiến quy hoạch khu nghĩa trang nhân dân số 1 phía Nam nghĩa địa hiện trạng thuộc thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ với diện 4,2 ha; khu số 2 tại vị trí phía Tây Bắc, thuộc thôn Lộ Diêu, diện tích quy hoạch 4 ha.
Ngoài ra, tỉnh cũng quy hoạch các khu vực tái định canh tại xã Hoài Mỹ với tổng diện tích hơn 55 ha cho người dân; quy hoạch khu neo đậu tàu, thuyền tại khu vực hiện hữu, có tục danh Lăng Ông và khu vực Bang Bang, thôn Lộ Diêu. Ngoài các chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC thực hiện theo quy định, tỉnh cũng đã bổ sung khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án. Cùng với đó, nhà đầu tư còn có một số chính sách hỗ trợ đặc biệt khác đối với người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Người dân vẫn ở tại thôn Lộ Diêu, vẫn sở hữu bờ biển, mặt nước, tiếp tục sản xuất, chăn nuôi, khai thác thủy sản như lâu nay. Người dân có nhu cầu làm việc tại nhà máy sẽ được ưu tiên và được tạo mọi điều kiện thuận lợi để có vị trí việc làm phù hợp, có nhu nhập ổn định và được đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định. Tỉnh cam kết, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án khi TĐC sẽ có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, có sinh kế ổn định, lâu dài hơn; địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay”.
Nguồn: BTV
Trước băn khoăn, tâm tư của một số người dân thôn Lộ Diêu bởi nơi đây đã gắn bó với họ từ lâu, nhiều gia đình, dòng tộc có nhiều đóng góp, hy sinh cho vùng đất này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chia sẻ: “Các thế hệ người dân Lộ Diêu cũng cần có cái nhìn toàn diện về vùng đất này, vì mục đích chung, vì tương lai con em chúng ta. Tôi sinh ra, lớn lên từ nông thôn, trưởng thành và cả cuộc đời gắn bó với quê hương Bình Định nên rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Mỗi khi có một cái gì đó khác đi và tạo phản ứng, đó cũng là bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chắt chiu từng cơ hội phát triển cho tỉnh nhà. Nếu chỉ duy trì như hiện nay, có tới 60% chi ngân sách do Trung ương cấp. Vì vậy, cùng với phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, chúng ta cần phải phát triển công nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại, để tạo đột phá!”.
Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn triển khai tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, do Công ty CP Gang thép Long Sơn làm chủ đầu tư. Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến thực hiện trên diện tích 468 ha; diện tích Cảng chuyên dùng khoảng gần 497 ha, trong đó đất trên bờ khoảng 23 ha, mặt nước gần 274 ha. Tổng diện tích dự kiến thu hồi phục vụ dự án là 491 ha, chiếm hơn 39% tổng diện tích đất tại thôn Lộ Diêu.
Dự kiến dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn. Tiến độ thực hiện được phân thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng: Giai đoạn 1, công suất thiết kế sản xuất 1,8 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 260 ha, vốn đầu tư 21.042 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ quý II/2023 đến quý I/2026. Giai đoạn 2, công suất thiết kế sản xuất 1,8 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 128 ha, vốn đầu tư 18.114 tỷ đồng, thực hiện từ quý II/2025 đến quý II/2027. Giai đoạn 3, công suất thiết kế sản xuất 1,8 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 80 ha, vốn đầu tư 17.101 tỷ đồng, thực hiện từ quý III/2027 đến quý IV/2029.
Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến có công suất 30 - 35 triệu tấn/năm, bề rộng luồng 230 m, cỡ tàu cập bến đến 250 nghìn tấn. Giai đoạn 1, dự kiến thực hiện từ năm 2023 - 2027, đầu tư xây dựng 10 bến/2.525 m, khu hậu cần cảng khoảng 44 ha, chiều dài đê, kè chắn sóng khoảng 3 km, công suất 21 - 23 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện từ năm 2028 - 2029, xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, với tổng cộng 13 bến/3.525 m, khu hậu cần cảng khoảng 44 ha, chiều dài đê, kè chắn sóng khoảng 4 km, công suất 30 - 35 triệu tấn/năm.
Các di tích lịch sử: Nơi cập bến Tàu không số, Lăng vạn Lộ Diêu, khuôn viên tưởng niệm liệt sĩ Lộ Diêu, các bãi đá, gành tự nhiên, rừng nguyên sinh... không thuộc phạm vi dự án sẽ được giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt.
PHẠM TIẾN SỸ