Nhật Bản cho phép nhà máy hạt nhân hoạt động trên 60 năm
Nhật Bản ngày 31.5 thông qua luật cho phép các lò phản ứng hạt nhân hoạt động hơn 60 năm.
Một phát ngôn viên của quốc hội Nhật Bản chia sẻ với AFP rằng dự luật dự định "thiết lập hệ thống cung cấp điện để đạt được xã hội không có carbon".
Theo quy định mới, giới hạn tuổi về mặt kỹ thuật vẫn là 60 năm nhưng có trường hợp ngoại lệ với các lò phản ứng hạt nhân đã phải tạm dừng hoạt động vì những lý do "không lường trước được".
Điều này có thể bao gồm những thay đổi với hướng dẫn an toàn hoặc án lệnh tạm thời của tòa.
Hai chuyên gia của IAEA kiểm tra tại tổ máy số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của TEPCO năm 2013. Ảnh: IAEA
Những quy tắc mới cho phép các nhà vận hành loại trừ thời gian ngừng hoạt động khi tính toán tổng số năm hoạt động.
Tuy nhiên, các nhà điều hành cần có sự chấp thuận của cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của Nhật Bản để được miễn trừ và luật cũng bao gồm các biện pháp nhằm tăng cường kiểm tra an toàn tại các lò phản ứng đã già.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho hay, chính phủ muốn "đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các nguồn điện không có carbon".
Việc Nhật Bản thông qua luật cho phép các lò phản ứng hạt nhân hoạt động hơn 60 năm diễn ra khi chính phủ nước này tìm cách khôi phục lĩnh vực hạt nhân bị tạm dừng sau thảm họa Fukushima năm 2011.
Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện nay vẫn không hoạt động. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dẫn tới tranh luận về chủ đề này và các cuộc thăm dò cho thấy quan điểm của công chúng Nhật Bản về năng lượng hạt nhân đang dịu đi.
(Theo LĐO)