Tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề
Ðây là chỉ đạo của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 14.5.2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”, diễn ra sáng 31.5.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Công nhân làm việc tại một DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Đồi Hỏa Sơn (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). Ảnh: N.H
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động số 08-CTr/TU, đại dịch Covid-19 và tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của cộng đồng DN, các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển CN-TTCN đều có sự tăng trưởng đáng kể.
Trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2021 tăng 8,49%, năm 2022 tăng 8,59% và 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,91%. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP năm 2021 chiếm 29,7%; năm 2022 chiếm 29,16% và 6 tháng đầu năm 2023 chiếm 28,94%.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn vẫn hoạt động hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng như: Năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, hàng may mặc, sản xuất thuốc, viên nén gỗ... Kim ngạch xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng, năm 2021 đạt 1,394 tỷ USD, năm 2022 đạt 1,55 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 720 triệu USD.
Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp được tăng cường, nhất là các dự án trọng điểm được chú trọng, tạo động lực phát triển KT-XH. Việc mở rộng, phát triển thị trường các sản phẩm công nghiệp được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Sau khi Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU, UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và làng nghề. Tỉnh luôn bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tại các khu, cụm công nghiệp để nắm bắt khó khăn, nhất là các DN sản xuất có quy mô lớn, các nhà máy mới đi vào hoạt động.
“Phải khẳng định rằng, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất CN-TTCN trong hơn 2 năm qua như đánh giá của ngành Công Thương là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng các DN trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nói.
Phó Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Thanh Thương cho biết: Ban đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư vào các khu công nghiệp. Đến nay, Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp đã thu hút 394 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 145.492 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện khoảng 47.570 tỷ đồng (đạt 33% tổng vốn đăng ký). Trong đó, có 39 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 818 triệu USD.
“Từ nay đến năm 2025, Ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Becamex VSIP Bình Định, Nhơn Hội A và Hòa Hội. Trong đó, Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định khả năng sẽ đón được nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực kinh tế đến đầu tư”, ông Thương cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: N.H
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng thúc đẩy phát triển
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, phân tích những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực CN-TTCN và làng nghề hơn nữa trong thời gian tới.
Theo đó, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp. Công tác thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; chưa thu hút được các dự án lớn làm động lực phát triển công nghiệp. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp còn thấp. Một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp triển khai còn chậm so với tiến độ đã đăng ký. Kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề còn hạn chế. Tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Để thúc đẩy tăng trưởng phát triển CN-TTCN và làng nghề trong thời gian đến, các thành viên ban chỉ đạo, các cấp, ngành liên quan cần rà soát tất cả cơ chế, chính sách, những vấn đề còn tồn tại, bất cập, thiếu hiệu quả để điều chỉnh kịp thời, tạo hành lang pháp lý thông thoáng thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát lại quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, có giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều kiện để giao đất cho nhà đầu tư có nhu cầu. Tiếp tục triển khai một số dự án KH&CN có quy mô lớn, tác động mạnh mẽ đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trọng điểm của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác đào tạo nghề, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng nhất cho DN khi đến xúc tiến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Để đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất CN-TTCN, cần đổi mới cách thức thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với đó, đề nghị các cấp, ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
NGUYỄN HÂN