Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ: Ðẩy mạnh nghiên cứu, đưa công nghệ sinh học vào sản xuất
Xác định phát triển công nghệ sinh học là xu thế, động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH, thời gian qua, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở KH&CN) đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và đưa tiến bộ công nghệ sinh học vào phục vụ đời sống, sản xuất.
Theo Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN, từ năm 2010 đến nay, riêng lĩnh vực công nghệ sinh học, đơn vị đã chủ trì thực hiện 6 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, 10 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh, cùng nhiều nhiệm vụ nghiên cứu cấp cơ sở, lựa chọn đưa nhiều tiến bộ KHKT lĩnh vực công nghệ sinh học vào triển khai, nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tham quan phòng thí nghiệm công nghệ sinh học tại Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN. Ảnh: TRỌNG LỢI
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN của Trung tâm đang lưu giữ, bảo tồn trên 30 nguồn gen thực vật có giá trị kinh tế, nguồn gen quý bản địa Bình Định, đặc biệt là một số giống lan có giá trị kinh tế cao, như: Lan đai châu An Lão, giả hạc Vĩnh Thạnh…, hay mai vàng Nhơn An và một số giống phục vụ phát triển các làng nghề trồng hoa trên địa bàn tỉnh (hoa cúc, hoa chuông, hoa đồng tiền…). Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học lĩnh vực nuôi cấy mô đã được chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả, như: Chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô cho Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao KH&CN tỉnh Phú Yên, chuyển giao quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống keo và bạch đàn cho công ty TNHH MTV Thái Xuân Biên (tỉnh Gia Lai)…
Đối với lĩnh vực công nghệ vi sinh, Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ cấp cơ sở, cấp tỉnh đến cấp nhà nước. Phòng thí nghiệm công nghệ vi sinh thuộc Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN đã xây dựng bộ sưu tập trên 20 nguồn gen các chủng vi sinh vật quý, bản địa phục vụ nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nhiều sản phẩm khoa học có giá trị cao được triển khai nhân rộng và đang hoàn thiện các thủ tục để thương mại hóa.
Hiện nay, Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN đã sản xuất thành công một số loại chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp, như: BIDI-AGRI bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản; chế phẩm BIDI-AQUA xử lý môi trường ao nuôi thủy sản; chế phẩm BITRICHO phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên các cây trồng cạn… Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình trình diễn, nhân rộng các kết quả nghiên cứu ở nhiều huyện trong tỉnh; một số mô hình phục vụ tích cực công cuộc phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như: Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại Bình Định; ứng dụng chế phẩm sinh học phòng ngừa bệnh thối cổ rễ trên cây hồ tiêu, cây kiệu tại Bình Định…
Bên cạnh đó, Trung tâm đang lưu giữ, bảo tồn tại phòng thí nghiệm của Trạm trên 20 nguồn gen các giống nấm ăn và nấm có giá trị dược liệu quý; làm chủ nhiều quy trình kỹ thuật nhân giống và sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu phục vụ phát triển nghề trồng nấm tại các địa phương trên toàn tỉnh. Hằng năm, Trung tâm cung cấp ra thị trường khoảng 6.000 phôi giống, trên 100.000 phôi thành phẩm cho các cơ sở sản xuất và trồng nấm trên địa bàn tỉnh.
Ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, Trung tâm đã tăng cường nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm sinh học BIDI-IMO giúp xử lý ô nhiễm mùi hôi trong chăn nuôi, chế phẩm sinh học BIDI-MICOM xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh. Xây dựng nhiều mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi tại nhiều địa phương, trong đó có các làng nghề nấu rượu Bàu Đá, làng nghề làm bún Ngãi Chánh (TX An Nhơn), khu vực chăn nuôi tập trung đông tại một số huyện, như: Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát…
“Kết quả các chương trình đã góp phần phát triển kinh tế làng nghề truyền thống gắn liền với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, là cơ sở để chính quyền các địa phương trong tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới”, Th.S Phan Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ.
Với những định hướng về phát triển KT-XH của tỉnh, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: Chuẩn hóa, đào tạo nhân lực để hình thành phòng thí nghiệm công nghệ sinh học lĩnh vực nông nghiệp, y dược…; trong đó chú trọng một số lĩnh vực công nghệ cao của công nghệ sinh học, như: Sinh học phân tử, công nghệ vi sinh thế hệ mới, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới và công nghệ nhân nuôi mô tế bào chất lượng cao quy mô công nghiệp. Đây là tiền đề để thời gian tới Trung tâm xin chủ trương thành lập phòng thí nghiệm trọng điểm cấp tỉnh về công nghệ sinh học, đáp ứng chuẩn ISO/IEC 17025, góp phần nâng cao vị thế ngành công nghệ sinh học nói riêng và nền khoa học công nghệ của tỉnh theo hướng chính quy, hiệu quả.
TRỌNG LỢI