Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng
Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 159/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 1.116 thôn/xóm với hơn 4.300 người tham gia, nòng cốt là ĐVTN.
Theo ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở TT&TT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, làm nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, làng, khu phố.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn An Thái, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: A.N
Việc triển khai và phát huy hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ CĐS tại cơ sở, từ đó lan tỏa, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội. Điển hình là tổ công nghệ số cộng đồng nhận triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, làng, khu phố. Dễ thấy nhất là cài ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công...; tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (lập nhóm Zalo, Mocha, hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm các hộ gia đình/người dân trong thôn, làng, khu phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.
Tuy nhiên, do mới thành lập, hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của người dân về CĐS chưa cao. Một số thành viên trong tổ còn chưa thuần thục việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; cơ sở vật chất để thực hiện CĐS chưa đồng bộ, các công cụ liên quan như điện thoại thông minh, máy vi tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân. Đặc biệt, hiện nay do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nên các tổ công nghệ số cộng đồng đang vận hành trên “tinh thần tự nguyện”, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
A.NHIÊN