Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2022: Bình Định có 2 công trình được vinh danh
(BĐ) - Lễ trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) lần thứ 28 và Giải thưởng WIPO 2022 được tổ chức tối 31.5 tại TP Hà Nội. Các công trình được chọn trao giải dựa trên tính mới, sáng tạo, hiệu quả KT-XH - kỹ thuật và khả năng áp dụng rộng rãi.
Trong số 128 công trình tham dự, Hội đồng giải thưởng lựa chọn 43 công trình tiêu biểu, trao 4 giải nhất (80 triệu đồng/giải), 9 giải nhì (60 triệu/giải), 15 giải ba (40 triệu đồng/giải) và 15 giải khuyến khích (20 triệu đồng/giải). Ngoài phần thưởng tiền mặt, tác giả công trình đoạt giải nhất, nhì được tặng bằng khen của Thủ tướng. Trong tổng số 43 công trình được Ban tổ chức trao giải thưởng, tỉnh Bình Định có 2 công trình, gồm 1 giải ba và 1 giải khuyến khích.
Giải ba thuộc về công trình “Giải pháp khoa học công nghệ phục vụ sản xuất lạc (arachis hypogaea L.) bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tại Bình Định” - lĩnh vực Sinh học phục vụ đời sống và sản xuất của đồng tác giả TS Hồ Huy Cường - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và TTND, BSCKII Nguyễn Thị Thanh Bình - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Bình Định.
Nhóm tác giả: TS Hồ Huy Cường (thứ ba bên phải) và TTND, BSCKII Nguyễn Thị Thanh Bình (thứ hai bên phải) nhận giải ba. Ảnh: Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Bình Định.
Công trình: “Nghiên cứu xây dựng mô hình gan, xác định thể tích và phát hiện bất thường của vùng gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh y khoa chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng” của tác giả TS Lê Thị Kim Nga, ThS Trần Thị Diệu Mỹ và cộng sự Trường ĐH Quy Nhơn đoạt giải Khuyến khích.
TS Lê Thị Kim Nga (hàng dưới, thứ tư bên trái) nhận giải khuyến khích. Ảnh: Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Bình Định.
Giải thưởng Vifotec do Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức thường niên. Giải thưởng nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đến nay, đã có khoảng 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.
TRỌNG LỢI