Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là ở phần hậu kiểm
(BĐ) - Sáng 1.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Đại biểu (ĐB) Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định góp ý thêm về nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế pháp luật thể hiện trong báo cáo của Chính phủ. Theo đó, ông đánh giá cả hệ thống chính trị đã và đang hết sức nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật.
ĐB Đồng Ngọc Ba phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
“Cho đến nay, có thể nói cả về lý luận cũng như pháp luật thực định thì cơ bản đã đầy đủ, đã được đánh giá trong báo cáo của Chính phủ. Hiện nay chúng ta có khoảng 230 đạo luật; hơn 1.000 văn bản là nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hơn 7.000 thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ... Đề nghị khi đánh giá về các kết quả phát triển KT-XH từng thời kỳ hay từng năm thì cần đánh giá cụ thể hơn, lượng hóa những đóng góp của thể chế”, ĐB Ba góp ý.
Bên cạnh đó, ĐB Ba cho rằng cũng phải thừa nhận hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập. Từ đó, nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ xác định thời gian tới về thể chế là kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thông tư của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Theo ĐB Ba, hiện nay phần lớn các văn bản của Trung ương là văn bản của Chính phủ và các bộ, sự thay đổi hằng năm của các văn bản này cũng rất lớn. Chính phủ thì hằng năm ban hành hàng trăm nghị định, có năm lên đến gần 200 nghị định. Còn bình quân mỗi năm các bộ ban hành khoảng 50 thông tư, nhưng cũng có những bộ ban hành hàng trăm thông tư...
“Ở phần tiền kiểm, tức là soạn thảo, thẩm định, thẩm tra để ban hành thì tương đối hoàn thiện, nhưng ở phần hậu kiểm có rất nhiều vấn đề. Đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ thì cơ bản chúng ta mới hậu kiểm được về tính pháp lý, còn kiểm soát về tính hợp lý thì đang rất yếu...”, ĐB Ba nêu vấn đề.
Như trong chương trình kỳ họp lần này, các đại biểu nêu nhiều bất cập liên quan đến các quy định PCCC, đăng kiểm, hay lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông... thì đều không có vấn đề gì về pháp lý, nhưng tính hợp lý cần phải xem xét lại. Theo ĐB Ba, cơ chế nào để xử lý tính hợp lý này là vấn đề rất lớn, từ đó ông có những đề nghị cụ thể.
Thứ nhất, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các thể chế hiện tại để đảm bảo chất lượng của các văn bản và đặc biệt quan tâm đến hệ thống kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có. Thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đề nghị Chính phủ quan tâm việc giao một cơ quan của Chính phủ kiểm tra trước, đồng thời xem xét tính pháp lý cũng như tính hợp lý trong thông tư của các Bộ trưởng trước khi ban hành.
Thứ hai, cũng cần phải giao một cơ quan đầu mối để kiểm soát tính hợp pháp và kể cả tính hợp lý đối với các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chưa có đầu mối này một cách rõ ràng...
“Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến đảm bảo nguồn lực, kinh phí thì chúng tôi đã góp ý ở các kỳ họp trước, cũng mong Chính phủ tiếp tục quan tâm để đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản của Chính phủ và các bộ...”, ĐB Ba phát biểu.
HOÀI THU (Ghi)