Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam
(BĐ) - Ngày 1.6, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Chủ trì hội nghị có các Thứ trưởng Bộ GTVT: Lê Đình Thọ, Nguyễn Danh Huy, Nguyễn Xuân Sang. Tham dự ở điểm cầu Bộ GTVT còn có lãnh đạo các Bộ TN&MT, NN&PTNT, Xây dựng cùng các đơn vị liên quan. Tại đầu cầu Bình Định, Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh Dũng cùng đại diện các sở, ngành, địa phương có đường cao tốc đi qua tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 – 2030) đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó, xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó, đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh Dũng trình bày kiến nghị tại hội nghị. Ảnh: HẢI YẾN
Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết, trong đó có một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, như cho phép triển khai sớm, đồng thời với các công việc của bước lập dự án đầu tư; bước lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương, thực hiện các công việc liên quan đến công tác GPMB nhằm đảm bảo bàn giao 70% mặt bằng, đủ điều kiện triển khai thi công dự án…
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương cùng địa phương đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả; đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện công tác GPMB, nguồn vật liệu xây dựng, triển khai thi công dự án.
Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh Dũng có ý kiến tại hội nghị, cho biết toàn tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư với diện tích 800,59/945,35 ha, đạt 84,7%; chiều dài 98,19/117,38km, đạt 83,7%. 7 địa phương đang triển khai thi công toàn bộ 39 khu tái định cư, đặc biệt có một số khu đã triển khai xây dựng đạt trên 70%. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án tại Bình Định, UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT tháo gỡ một số vấn đề khó khăn: Báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung các mỏ vật liệu thi công xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 18/NQ-CP, số 119/NQ-CP của Chính phủ. Đối với các hộ bị giải tỏa một phần thửa đất ở, nhà ở và có phần diện tích còn lại của thửa đất ở nằm ngoài phạm vi mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc phạm vi hành lang an toàn đường cao tốc, Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT hướng dẫn, nếu chấp thuận thu hồi thì địa phương lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư. Trường hợp không chấp thuận thu hồi thì có ý kiến thống nhất để địa phương cấp phép cho người dân tiến hành xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống, nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB. Bộ GTVT xem xét đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng 5 đoạn tuyến từ các nút giao liên thông đến kết nối với tuyến QL1 phải đạt quy mô đường cấp III, với chiều dài khoảng 16,2km, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng thì mới phát huy hiệu quả khai thác tuyến cao tốc. Bộ GTVT ủy quyền để Ban Quản lý dự án 2, dự án 85 chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát xây dựng bổ sung hệ thống hào, cống kỹ thuật qua đường cao tốc để các địa phương bố trí hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh như: Cáp viễn thông, cấp nước sinh hoạt, cấp điện sinh hoạt, cấp nước PCCC…
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay: Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương và đồng thuận, chia sẻ của cộng đồng DN và người dân, ngành GTVT đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp thu những kinh nghiệm, giải pháp, cách làm hay đã được chia sẻ tại hội nghị, căn cứ vào thực tiễn ở từng địa bàn để có sự áp dụng linh hoạt trong quá trình triển khai.
Các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và cần phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần cho dự án cao tốc được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là GPMB, nguyên vật liệu thi công, đường công vụ, bãi thải; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.
HẢI YẾN