EVN xin tăng giá điện, loạt công ty con đưa hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng
5 đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện cung cấp, phân phối điện cho 63 tỉnh, thành trên cả nước đang đem hàng vạn tỉ đồng đi gửi ngân hàng, qua đó thu về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Công ty con ghi nhận doanh thu trăm nghìn tỉ đồng
Đầu tháng 5.2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc này được thực hiện sau thời gian dài EVN gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ lớn khi giá đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện tăng cao.
Và sau chưa đầy một chu kỳ thanh toán điện, EVN mới đây lại tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện vào tháng 9.2023.
Lượng tiền gửi ngân hàng của các công ty con EVN trong năm qua lên đến hàng vạn tỉ đồng. Ảnh: EVN
EVN cho rằng, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện.
Thực tế cho thấy, thống kê báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho thấy, kết thúc năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc ghi nhận doanh thu đạt 157.021 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỉ đồng, giảm 64%. Doanh thu Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đạt 42.650 tỉ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế gần 454 tỉ đồng, giảm 57%.
Tương tự, doanh thu Tổng Công ty Điện lực Miền Nam trong năm 2022 xấp xỉ 152.709 tỉ đồng, tăng 10% so với năm trước đó; lợi nhuận trước thuế hơn 293 tỉ đồng, giảm 76%. Doanh thu Tổng Công ty Điện lực Hà Nội gần 46.783 tỉ đồng, tăng 10%; lãi trước thuế đạt 38 tỉ đồng, giảm 88%. Doanh thu Tổng Công ty Điện lực TPHCM đạt 58.893 tỉ đồng, tăng 14% nhưng lãi trước thuế lại giảm 71%.
Dồn hàng nghìn tỉ đồng gửi ngân hàng
Ở khía cạnh khác, lượng tiền gửi ngân hàng tại các công ty con của EVN trong năm qua lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Đơn cử trong năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có khoảng 5.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, số tiền gửi ngân hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỉ đồng. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỉ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM có gần 4.000 tỉ đồng gửi ngân hàng.
Nhờ số tiền gửi ngân hàng lên đến hàng nghìn tỉ đồng đã giúp doanh nghiệp thu về hàng trăm tỉ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Cụ thể, kết thúc năm 2022, thuyết minh báo cáo tài chính của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cho thấy, lãi tiền gửi, tiền cho vay tại công ty gần 371 tỉ đồng. Chỉ số này tại các doanh nghiệp khác lần lượt như sau: Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đạt gần 178 tỉ đồng; lãi tiền gửi năm 2022 của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hơn 170 tỉ đồng; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội 166 tỉ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM là 155 tỉ đồng.
Được biết, 5 doanh nghiệp trên hiện đang đảm nhiệm vai trò trong việc cung cấp, phân phối điện cho 63 tỉnh thành trên cả nước.
Xã hội hóa ngành điện chậm, độc quyền thì không tránh khỏi việc lộng hành về giá
Liên quan đến vấn đề EVN báo lỗ liên tiếp và liên tục tăng giá, phải đi nhập khẩu điện ở Trung Quốc, Lào trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo lại chưa được hòa mạng, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc sản xuất điện cần song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải nhưng vừa qua hai việc này lại thực hiện không đồng bộ.
“Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao. Có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc” - ông Vân nêu vấn đề.
Theo đại biểu đoàn Cà Mau, lộ trình xã hội hóa ngành điện hiện nay còn chậm, càng để độc quyền, sự lộng hành về giá là không tránh khỏi.
Làm rõ nguyên nhân khoản lỗ của EVN
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) đặt vấn đề, từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện. Cử tri cho rằng, cùng một hệ sinh thái, nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, cần làm rõ vấn đề này.
(Theo LĐO)