CHƯƠNG TRÌNH MTQG PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ÐỒNG BÀO DTTS&MN:
Ðẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân vốn kịp thời
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ðể thực hiện hiệu quả Chương trình này, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu triển khai các giải pháp đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ nhằm mang lại hiệu quả tích cực.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 được thiết kế thành 10 dự án, 14 tiểu dự án, với 36 nội dung chính sách thành phần.
Giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 có mục tiêu chung là đầu tư nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; từng bước giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Chăn nuôi bò tại một hộ dân tộc thiểu số ở xã An Hưng (huyện An Lão). Ảnh: N.H
Bên cạnh đó, tổ chức quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện GD&ĐT, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bùi Tiến Dũng, đến nay, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp lý về chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, phân bổ vốn, đặc biệt là về phân cấp quản lý, cơ chế quay vòng vốn trong hoạt động phát triển sản xuất. Quy định việc quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giao cho cộng đồng tự thực hiện xây dựng công trình theo định mức hỗ trợ. Ngoài ra, các sở, ban, ngành của tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện chương trình tương đối đầy đủ, giúp địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định.
Trong năm 2022, tổng số vốn đã phân bổ thực hiện các dự án thuộc Chương trình gần 163,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 147 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 11 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện đối ứng hơn 5,4 tỷ đồng. Kết quả đã giải ngân thực hiện đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đạt gần 74,4 tỷ đồng (chiếm 50,5% kế hoạch giao). Đối với ngân sách địa phương đã giải ngân gần 7,6 tỷ đồng, chiếm 46,2%. Để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, tỉnh đã đồng ý cho các địa phương kéo dài giải ngân vốn đầu tư năm 2022 sang đến hết tháng 6.2023.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023, sau khi HĐND tỉnh quyết nghị thông qua tại kỳ họp chuyên đề vào giữa cuối tháng 3.2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân bổ vốn thực hiện Chương trình hơn 251 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 112 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 157 tỷ đồng. Trên cơ sở đó các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức đấu thầu các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần để có cơ sở triển khai thực hiện và nhanh chóng giải ngân vốn theo kế hoạch.
Trong năm nay, các xã, thôn thuộc địa bàn DTTS&MN tập trung triển khai 10 dự án thuộc Chương trình, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào DTTS&MN; phát triển GD&ĐT nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch…
Nhằm đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN năm 2023 đạt 100% kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình đề ra, vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương chủ động, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần do cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách, đảm nhận.
UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết tiến độ giải ngân theo các mốc thời gian đến ngày 30.6, 30.9 và 31.12.2023 đạt 100% kế hoạch vốn giao. Thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; xử lý kiên quyết, kịp thời các chủ đầu tư không thực hiện đúng kế hoạch.
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đến năm 2025, Bình Định phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 - 4%; có 10 xã, 4 thôn thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Giải quyết cơ bản công tác định canh, định cư. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 100% số hộ DTTS đang cư trú tại các nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất; phấn đấu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ DTTS nghèo.
NGUYỄN HÂN