Phản biện xã hội về cơ chế hỗ trợ dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ người dân vùng thiên tai
(BĐ) - Ngày 2.6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định cơ chế hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Quang cảnh Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Quy định cơ chế hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
Theo dự thảo, các cơ quan Nhà nước, tổ chức, DN, HTX, hộ gia đình, cá nhân được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH theo quy định trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng. Chủ đầu tư còn được khuyến khích, ưu đãi thêm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư do ngân sách tỉnh chi trả 100% theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại hội nghị có 16 lượt ý kiến của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các tổ chức thành viên MTTQ Việt Nam tỉnh góp ý, hầu hết đều tán thành với dự thảo. Một số ý kiến bổ sung hoặc làm rõ thêm những vấn đề liên quan nhằm hoàn thiện quy định.
Dự kiến, quy định hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn tỉnh sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới. Mục tiêu của quy định là khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng NƠXH, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm nhà ở chất lượng, giá thành hợp lý.
Phát biểu kết luận hội nghị, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý cụ thể; đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đối với ý kiến phản biện tại hội nghị để xem xét, bổ sung vào dự thảo trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân và địa bàn bố trí dân cư vùng thiên tai, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có gần 1.600 hộ dân cư vùng thiên tai cần được bố trí, sắp xếp ổn định đến nơi ở mới. Dự thảo xây dựng mức hỗ trợ trực tiếp: 40 triệu đồng cho mỗi gia đình, cá nhân phải di chuyển người và tài sản ra khỏi nơi ở; 20 triệu đồng cho mỗi gia đình, cá nhân tuy ổn định tại chỗ nhưng cần nâng cấp nhà ở, vật dụng phòng, chống thiên tai thiết yếu khác; 60 triệu đồng cho từng địa bàn nơi bố trí dân cư xen ghép (tính theo hộ) để thực hiện các việc như: Điều chỉnh đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ mới đến, xây mới hoặc nâng cấp lớp học, trạm y tế, thủy lợi nội đồng, đường dân sinh, công trình điện sinh hoạt, công trình cấp nước cộng đồng...
Góp ý dự thảo, một số đại biểu đề nghị bổ sung đầy đủ đối tượng thụ hưởng theo như Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18.5.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, cần có những điều chỉnh phù hợp liên quan đến nguồn kinh phí dự kiến thực hiện chương trình này.
VĂN LƯU - NGỌC TÚ