Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh Bình Định lần thứ XIV - năm 2023: Sắc màu nhà trại
Tiếp nối chuỗi hoạt động sau lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) miền biển tỉnh Bình Định lần thứ XIV - năm 2023, ngày 2.6, Ban tổ chức tiến hành kiểm tra và chấm điểm các nhà trại của 6 đơn vị tham gia Ngày hội, gồm: Phù Cát, Hoài Nhơn, Quy Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước và BĐBP tỉnh.
Theo đánh giá, các đơn vị đã bám sát nội quy để thiết kế, dựng nhà trại với 3 phần chính: Cổng trại, trại chính và trại phụ; nhà trại thể hiện sinh động nội dung, đa dạng thiết kế, sắc màu.
Cổng trại huyện Tuy Phước với chủ đề "Vươn xa", khắc họa những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Tuy Phước với biểu tượng mặt nạ hát bội - quê hương cụ Đào Tấn.
Không gian trại chính được các đơn vị trang hoàng bàn thờ Tổ quốc, trưng bày các hình ảnh giới thiệu di sản văn hóa, sự phát triển KT-XH, thành tích của địa phương, đơn vị mình; trại phụ phía sau được dựng chắc chắn, là nơi các VĐV, diễn viên, nghệ nhân các đoàn ăn ở, sinh hoạt…
Sinh động nhất và thu hút nhiều người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh là phần cổng trại - được các đơn vị đầu tư chăm chút, thể hiện theo từng chủ đề. Với vật liệu chủ đạo là tre, trúc, dây thừng, cùng những phụ kiện, pa nô trang trí phần cổng trại, các đơn vị đã thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của địa phương, đơn vị mình.
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở VH&TT, Trưởng ban tổ chức Ngày hội, cho biết: “Ngày hội lần này nhận được sự quan tâm của các đơn vị, thể hiện qua phần thi làm nhà trại quy mô, tạo không gian văn hóa đầy sắc màu, thu hút đông đảo người dân và đặc biệt là nhiều du khách đến tham quan. Tất cả các đơn vị đều thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của miền biển, cùng với đó đơn vị nào cũng có sự sáng tạo thể hiện phần cổng trại khác nhau, nội dung trang trí độc đáo, hấp dẫn so với những ngày hội trước đây”.
Hình ảnh cổng trại của 6 đoàn VH-TT tham gia Ngày hội VH-TT miền biển tỉnh Bình Định lần thứ XIV - năm 2023:
Cổng trại huyện Phù Cát thể hiện hình ảnh con tàu vươn khơi bám biển, biểu tượng cánh chim lạc nhắc nhớ về cội nguồn văn hóa của dân tộc.
Bên trong trại chính của đơn vị huyện Phù Cát còn trưng bày nhiều hình ảnh, các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương, như nón ngựa Phú Gia, sản phẩm đan đát ở Cát Minh.
Cổng trại của BĐBP tỉnh thể hiện hình ảnh con tàu của lực lượng BĐBP hướng ra biển bảo vệ ngư dân lao động trên biển, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cổng trại TX Hoài Nhơn thể hiện đặc trưng của xứ Dừa Hoài Nhơn, nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh, cùng biểu tượng Di tích nơi cập bến tàu không số Lộ Diêu.
Cổng trại TP Quy Nhơn với chủ đề “Vươn khơi” là hình ảnh con tàu của ngư dân ra khơi bám biển, phía xa là biểu tượng ngọn hải đăng Cù Lao Xanh.
Bên trong cổng trại và trại chính của đơn vị TP Quy Nhơn còn trưng bày nhiều hình ảnh giới thiệu về đất và người Quy Nhơn, tư liệu Hoàng Sa - Trường Sa.
Cổng trại huyện Phù Mỹ được làm bằng vật liệu trúc, trảy, bố cục chặt chẽ, hài hòa với hình tượng con tàu của ngư dân vươn khơi bám biển, trước mũi thuyền là biểu tượng ngọn hải đăng Hòn Nước, sau thuyền là hình tượng trống đồng, chim lạc và tượng đài chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu.
Bên trong nhà trại huyện Phù Mỹ còn trưng bày nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
NGỌC NHUẬN