Dự án khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Ðịnh: Nhanh chóng dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng
Triển khai nhiều năm qua, nhưng đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Ðịnh (tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) vẫn chưa dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại nói trên, không để dây dưa, kéo dài.
Ông Hà Thúc Duy Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Becamex Bình Định, cho biết: Căn cứ vào quyết định phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các DN, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án Khu công nghiệp (KCN) Becamex VSIP Bình Định, Công ty liên hệ và chuyển tiền ngay đến từng đối tượng. Riêng đối với người dân, ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định của tỉnh, Công ty còn có chính sách hỗ trợ riêng như ưu tiên bà con lựa chọn đất tại khu tái định cư (TĐC) nằm đối diện khu nhà ở dành cho công nhân, có đầy đủ hạ tầng với giá chỉ 150 triệu đồng/lô 150 m2. Tuy vậy, hiện vẫn còn 154 hộ dân và 3 DN (Công ty CP Giống Lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ, Công ty CP PISICO Hà Thanh, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tâm Phú) chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo các quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt. Do đó vẫn còn trên 174 ha đất của các tổ chức, hộ gia đình nằm xen lẫn trong phạm vi xây dựng KCN và các khu TĐC, dân cư. Do DN vẫn còn hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc san ủi mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp không ít trở ngại, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư chung của dự án và công tác thu hút đầu tư vào KCN.
Nhà máy sản xuất của Công ty CP PISICO Hà Thanh nằm trong phạm vi công trường thi công xây dựng KCN Becamex VSIP Bình Định. Ảnh: TIẾN SỸ
Theo ông Đào Nguyên Khôi, Trưởng Ban GPMB tỉnh, tổng số tiền chưa thể chi trả cho 3 DN nói trên là hơn 93,769 tỷ đồng/55,59 ha đất. Cụ thể, Công ty CP Giống Lâm nghiệp vùng Nam Trung bộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 2,221 tỷ đồng/51,59 ha vì đang chờ cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn việc thu hồi, xử lý tài sản trên đất. Công ty CP PISICO Hà Thanh đang đề nghị tỉnh tăng thêm tiền bồi thường một số hạng mục tại nhà máy, nên chưa chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 10,559 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tâm Phú đã đồng ý nhận tiền, nhưng lại đề xuất lộ trình di chuyển tài sản, bàn giao mặt bằng trong 24 tháng kể từ khi được bàn giao toàn bộ mặt bằng đất tại Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh.
Còn 154 hộ dân tại xã Canh Vinh chưa đăng ký nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì còn tranh chấp đất và khiếu nại về nguồn gốc đất… Ban GPMB tỉnh đã nhiều lần gặp trực tiếp, đồng thời ban hành văn bản đề nghị các tổ chức, hộ gia đình hợp tác, nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo các phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng đến nay các hộ này vẫn chưa thống nhất.
Không phủ nhận sự quyết tâm, nỗ lực của ngành chức năng và UBND huyện Vân Canh trong công tác đền bù, GPMB để thực hiện Dự án KCN Becamex VSIP Bình Định, nhưng với diễn biến như hiện nay, tiến độ GPMB khó có thể dứt điểm sớm như tỉnh chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên về hướng giải quyết công tác đền bù, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi ảnh hưởng bởi dự án, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB của tỉnh áp dụng cho KCN Becamex VSIP Bình Định là rất thông thoáng, kinh phí đền bù, hỗ trợ không thiếu và tỉnh cũng đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, đảm bảo tối đa quyền lợi cho các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án này. Vì thế, để giải quyết dứt điểm công tác đền bù, bàn giao mặt bằng sạch cho Công ty CP Becamex Bình Định đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án, UBND tỉnh yêu cầu trong tháng 6.2023, Ban GPMB tỉnh và UBND huyện Vân Canh tiếp tục tìm gặp các DN và hộ gia đình để vận động, thuyết phục thêm một lần nữa. Nếu DN và người dân vẫn tiếp tục dây dưa, không chịu nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB thì tổ chức cưỡng chế. Các DN được ưu tiên lựa chọn khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng nhà máy, riêng Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tâm Phú muốn xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh, UBND huyện Vân Canh bàn bạc, thống nhất với DN vị trí, diện tích đất để cấp ngay cho DN.
PHẠM TIẾN SỸ