Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng: Ðắm đuối với những cú... “sang số”
Ngày 19.5.2023, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022. Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng là tác giả duy nhất của Bình Ðịnh nhận giải thưởng Nhà nước trong đợt này. Gặp ông sau ngày trao giải không lâu, ông vẫn ngồi trong căn phòng riêng, cặm cụi với sách và những trang bản thảo…
Sự học như con thuyền ngược nước
● Chào ông, chúc mừng ông với giải thưởng. Nhiều người rất mong ông có mặt tại Lễ trao giải, nhưng hình như ông không đi Hà Nội…
- Tôi cũng muốn đi Hà Nội. Ngoài tham gia lễ trao giải, thì ở đó còn có bằng hữu là những nghệ sĩ thân tình với tôi. Cũng muốn gặp để hàn huyên, nhất là khi mà mỗi chúng tôi đều không còn là… thanh niên nữa. Lòng mình muốn là vậy nhưng lại đang gặp trở ngại về sức khỏe, đành để con trai đi thay chuyến này.
● Xin lỗi, lúc mới vào, tôi thấy ông đang chăm chú xem một quyển sách…
- À, tôi đang đọc lại về Tả quân Lê Văn Duyệt. Ngoài nguồn sử liệu chính thống, tôi tìm đọc thêm những tư liệu mang tính dã sử. Và hiện tại, đang đọc tiểu thuyết lịch sử về Lê Văn Duyệt, cuốn Lê Văn Duyệt - Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông của Hoàng Lại Giang. Một lần nữa, nhân vật lịch sử này lại khiến tôi chạnh nghĩ đến nhiều thứ. Ông là người đáng nể trọng. Thẳng thắn. Trung thực. Luôn hướng về chính nghĩa, nghĩ cho muôn dân trăm họ.
● Dường như, ông rất hứng thú và giữ được thói quen đọc sách…
- Đúng vậy! Đọc cũng là một cách học, một cách lắng nghe, một cách mà ta được đi và trải nghiệm. Như tôi bây giờ chẳng hạn… (cười). Tôi coi trọng việc học, nhất là ý thức tự học. Người xưa đã từng nói đại ý rằng, sự học như con thuyền ngược nước. Nếu ta ngưng đọc, ngưng học, ngưng tư duy suy ngẫm, sẽ bị đẩy lùi về phía sau...
Tác phẩm phải có tính tư tưởng
Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng đạt giải thưởng Nhà nước với hai tác phẩm kịch bản sân khấu là Khúc ca bi tráng và Nước non cửa Phật. Hai kịch bản đều đã được Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định dàn dựng và đạt HCV trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tác giả từng đạt giải “Tác giả kịch bản văn học xuất sắc nhất” của Bộ VH-TT&DL và giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Hầu hết các hội đồng đã trao giải cho ông đều đánh giá rất cao tính tư tưởng trong tác phẩm của Văn Trọng Hùng.
● Hai vở Khúc ca bi tráng và Nước non cửa Phật đều là những kịch bản đắt giá. Mỗi kịch bản, khai thác về nhân vật và một thời đoạn lịch sử, đi vào những “vết mờ” của thời cuộc và rọi vào thẳm sâu nội tâm nhân vật. Ông có thể chia sẻ thêm…
- Trần Quang Diệu là một anh hùng. Và Võ Tánh cũng là một anh hùng. Dù cho đó là người của triều đại nào đi nữa nhưng rõ ràng, Võ Tánh là con người đầy khí tiết! Và quan trọng hơn cả, ông là người luôn nghĩ đến dân, đến nước. Khúc ca bi tráng như một phần cái tên của tác phẩm đã thể hiện, đó là khúc ca bi hùng của những anh hùng thực sự. Là Võ Tánh của nhà Nguyễn, là Trần Quang Diệu của nhà Tây Sơn. Họ ở hai chiến tuyến, là đối thủ trên chiến trận nhưng họ đã như là bạn tâm giao. Vì lẽ, họ có một điểm chung là nghĩa khí cao cả và tấm lòng thương dân. Kết kịch, tôi đã để cho họ ngồi lại với nhau sau hai trăm năm như những tri âm thực sự, cùng thưởng hoa uống rượu, cùng nhìn lại thế cuộc xưa cũ… Đó là một ẩn dụ để hướng đến sự hòa hợp!
● Các nhân vật gặp nhau ở cõi âm, hình như cũng là một thủ pháp…
- Tôi muốn tạo một cõi không bị ràng buộc để họ cùng ngồi lại, luận giải khách quan, bộc lộ thế giới nội tâm của mình. Bởi vậy mới có cuộc hạnh ngộ giữa những người từng là cừu địch như Võ Tánh với Trần Quang Diệu trong Khúc ca bi tráng, hay giữa Hàn Tín với Hạng Vũ trong Luận anh hùng.
● Hình ảnh Võ Tánh trong Khúc ca bi tráng với bài thơ Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế có điểm chung nào đó...
- Tôi viết bài thơ Gặp Võ Tánh ở thành Hoàng Đế trước, in ở tập thơ Hầu chuyện tiền nhân. Thơ rằng: Một đời ta vì trăm họ, giang san/ Dẫu khác chúa nhưng không khác lòng yêu dân yêu nước/ Trải năm tháng những gì mất, được/ Mặc đời sau, thiên hạ luận bàn/ Ngươi nhìn kìa, Trần Quang Diệu đang sang/ Rượu đã sẵn. Và... trăng đã đến. Trên tinh thần bài thơ ấy, tôi đã “sang số” và viết nên kịch bản Khúc ca bi tráng.
Một cảnh trong vở bài chòi Khúc ca bi tráng. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
● Cũng thể tài lịch sử, nhưng với Nước non cửa Phật, ông đã mềm mại hơn về tuyến nhân vật và có những gửi gắm trong thời đoạn giữ nước?
- Kịch cần tính hành động, nhưng để hay, để mềm mại, để nhân vật lột tả chiều sâu nội tâm thì tôi nghĩ không thể bỏ qua tính tự sự của kịch.
Trong Nước non cửa Phật, tính tự sự được thể hiện rõ qua nhân vật Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người đã từ bỏ ngai vàng để tìm về cửa Phật, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo, khai sinh ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nhưng ông vẫn là người nhập thế, nỗi lo cho dân cho nước, giữ chủ quyền, diệt nội xâm luôn đau đáu chưa bao giờ nguôi nghỉ.
Liên tục... “sang số”
Văn Trọng Hùng đang sở hữu một gia tài văn chương bề thế với 5 tập thơ và gần 20 kịch bản sân khấu. “Sang số” là cách mà ông gọi tên cho việc mình chuyển hướng sáng tác từ kịch sang thơ, hoặc ngược lại. Ông viết như tằm rút ruột nhả tơ. Thận trọng, chỉn chu trong sự say mê và trân trọng.
● Kịch và thơ, đâu là số một, đâu là số hai, thưa ông?
- Nếu buộc phải rành rẽ, thì tôi nghĩ thơ ở số 1. Vì tôi bắt đầu sáng tác ở mảng này. Nhưng có lẽ, với thơ và kịch trong suốt mấy chục năm qua, tôi đã sang số hàng chục, hàng trăm lần. Nó không còn là một hay hai, thứ nhất hay thứ nhì nữa. Cả hai đều quan trọng với tôi.
Tôi vừa chỉnh lý, bổ sung để hoàn thiện kịch bản Nhìn lại một vương triều, nhấn sâu hơn về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly trong cái nhìn khách quan công - tội, thử đo bề sâu nội tâm của nhân vật này để khắc họa một người nặng lòng với dân với nước, nhất là những chủ trương về canh tân đất nước nhưng bản thân ông lại đầy những bi kịch, đắng cay.
● “Hảo dã Văn Trọng Hùng, muộn nhi thi, nộ nhi kịch/ Truy tùy cổ nhân chí, tiến tận chức, thoái tận tâm”… (“Khá lắm, Văn Trọng Hùng! Buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch/Noi theo cái chí của người xưa, tiến thì làm trọn chức trách, về thì giữ vẹn chữ tâm”) Xin hỏi thật, như bây giờ thì ông nghĩ sao về lời mà năm xưa sinh thời nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã viết tặng ông…
- Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn là người tôi quý trọng. Và tôi trân trọng mọi tình cảm từ bạn bè dành cho mình và dành cho những gì mình viết. Việc mình làm, thứ mình viết, cứ để mọi người nhìn vào, suy xét. Chứ mình nói về chính mình… có hay ho gì đâu. Tôi vẫn sống và viết bằng tất cả những suy tư và tha thiết; viết ra được gì đó mà mình đau đáu, nặng lòng, đó là một hạnh phúc.
● Cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc ông sức khỏe và niềm vui, có thêm nhiều sáng tác mới.
Nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng, sinh năm 1954 tại Hoài Ân, Bình Định. Ông đã xuất bản 5 tập thơ: Dạo khúc nhân tình (1991), Bóng trúc (2001), Đối ảnh (2006), Hầu chuyện tiền nhân (2012), Ngửa mặt hỏi trăm năm (2019); 2 tập kịch bản: Đi tìm chân chúa (2014), Khúc ca bi tráng (2017).
Ông hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam tại Bình Định; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Văn Trọng Hùng sở hữu 9 giải A giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu; 15 giải thưởng về kịch bản và vở diễn của Bộ VH-TT&DL và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
VÂN PHI (thực hiện)